Kể từ lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2004, dòng phim cung đấu đã ngay lập tức chiếm giữ vị trí độc tôn trong thị trường phim ảnh. Lấy bối cảnh vương triều phong kiến, xoay quanh những mưu mô toan tính chốn hậu cung, phim cung đấu cuốn khán giả vào một bầu không khí âm u, hồi hộp nhưng không kém phần hoa lệ.
Và dù nội dung luôn là các phi tần cung nữ không từ thủ đoạn, đạp lên nhau để có được sự ân sủng của hoàng đế, thì cuối cùng mục tiêu mà dòng phim này hướng tới là giúp người xem thấy được phần nào bức tranh phong kiến xưa, khi mà tư tưởng trọng nam khinh nữ quá nặng nề, phụ nữ bị buộc trong lề thói, khuôn phép và tam cương ngũ thường.
Mùa đông ngại ra khỏi nhà thì hãy hưởng thụ thú vui nhân gian bằng cách cày những bộ phim cung đấu sau đây nhé!
Thâm Cung Nội Chiến (2004)
Lấy bối cảnh năm Gia Khánh thứ 15, đất nước đang trong thời kỳ hưng thịnh. Lúc này, tuy hoàng hậu là người đứng đầu tam cung lục viện song nhân vật thực sự giành được sủng ái là Như Phi. Mãi tới kỳ tuyển tú ba năm một lần, sự xuất hiện của Ngọc Doanh – tiểu thư nhà quyền quý, và Nhĩ Thuần – con nuôi thái giám phủ nội vụ Từ Vạn Điển, mới thực sự mở ra cuộc chiến chốn hậu cung.
Cuộc chiến trở nên kịch tính hơn khi An Xuyến – một cung nữ vốn chỉ muốn về quê đoàn tụ với bà mình – vì muốn trả thù mà trở mặt và từng bước đến bên hoàng thượng, giành được ân sủng. Mưu mô, toan tính, xâu xé nhau song cả bốn người phụ nữ đều có những câu chuyện riêng đầy thương tâm, để rồi cuối cùng thứ họ khao khát là tự do bên người đàn ông mình yêu thương thật lòng.
Cung Tâm Kế (2009)
Cuối thời nhà Đường, sau khi Đường Hiến Tông băng hà, Quách quý khi nhờ sự giúp đỡ của đại tổng quản Mã Viễn Chí đã thành công đưa con mình là Lý Hựu lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu Đường Mục Tông. Cha của nữ chính Lưu Tam Hảo vì ủng hộ con trai thứ hai của Đường Hiến Tông là Lý Uẩn lên ngôi đã bị Quách thái hậu hãm hại, còn mẹ con Tam Hảo cùng nha hoàn Diêu Kim Linh thì bị đưa vào cung làm nô bộc.
Mẹ Tam Hảo có đôi bàn tay khéo léo nên được giao cho chế tác chiếc trâm Phượng Hoàng cho Quách thái hậu. Một ngày nọ cây trâm chảy ra sáp đỏ, nô tì bên cạnh kinh hãi kêu lên “Phượng Hoàng khóc ra máu” khiến thái hậu cho là điềm gở và ra lệnh trừng phạt người thợ đã làm ra chiếc trâm này. Mẹ Tam Hảo bị phạt nặng, không lâu sau thì qua đời. Trước khi mất, bà dặn con gái phải sống như cái tên của mình: “Nói việc tốt, làm điều hay, có lòng thiện.”
Nhiều năm sau, Tam Hảo luôn tuân thủ di huấn của mẹ, sống chân thành lương thiện giữa chốn thâm cung đấu đá khốc liệt. Ngược với Tam Hảo, Kim Linh lại là người tự tư tự lợi, vì muốn trở thành phi tần sẵn sàng bất chấp thủ đoạn. Tam Hảo vốn có tình cảm với tiến sĩ Cao Hiển Dương, nhưng khi biết người hoàng đế Lý Di yêu thương nhất chính là Tam Hảo, Kim Linh nảy lòng đố kỵ. Cuối cùng, cô vì muốn bảo vệ ngôi vị hoàng phi, sẵn sàng vu oan Tam Hảo giết hại thái hậu, đẩy người chị em tốt của mình vào chỗ chết.
Mỹ Nhân Tâm Kế (2010)
Phim bắt đầu vào thời Hán Cao Tổ, Hoàng hậu Lã Trĩ sinh Thái tử Lưu Doanh (sau là Hán Huệ Đế), vốn không được Cao Tổ sủng ái. Bạc phu nhân – phi tần của Cao Tổ sinh Lưu Hằng (sau là Hán Văn Đế), từ nhỏ lanh lợi nên bị Lã hậu xem là cái gai trong mắt.
Hương Liên là cung nữ hầu hạ Bạc Cơ, kiêm nhũ nương cho Lưu Hằng. Bà có một con gái là Đỗ Vân Tịch (Đậu Y Phòng lúc nhỏ). Lã hậu cho gọi Hương Liên, ban lọ thuốc dưỡng da, thực tế là thuốc độc để mưu hại Lưu Hằng. Bạc Cơ phát giác, bèn cho Hương Liên trốn khỏi cung, đồng thời xin Lã hậu cho phép mang Lưu Hằng đến Đại Quốc sinh sống, tránh xa hậu cung hiểm ác.
Mẹ con Hương Liên – Vân Tịch bị Lã hậu truy sát. Hương Liên hy sinh, còn Vân Tịch may mắn tìm được đến nhà cậu, sống ở đó đến khi trưởng thành. Thời Hán Huệ Đế, Vân Tịch vào cung làm cung nữ. Lã hậu, khi này là Hoàng thái Hậu, đang lo sợ mẹ con Bạc Cơ – Lưu Hằng làm phản. Phát hiện ra sự thông minh của Vân Tịch, bà đổi tên cô thành Đậu Y Phòng, đưa đến Đại Quốc làm Vương phi, mục đích trở thành nội gián cho bà.
Thương yêu bách tính nhưng vẫn muốn Lã hậu tin tưởng, Y Phòng đề nghị chồng tu sửa lăng tẩm bí mật luyện binh. Mọi người xem cô là “hồng nhan họa thủy”, chỉ có Lưu Hằng tin tưởng, phong cô làm Vương hậu. Lưu Hằng đăng cơ, cô trở thành Hoàng hậu Đại Hán, cùng phu quân trải qua rất nhiều biến cố, tạo nên thiên thu đại nghiệp.
Tuy là Mẫu nghi thiên hạ, Y Phòng lại cảm thấy quyền lực và tình cảm hiện có đang dần mất đi. Cô tìm mọi cách vãn hồi tình cảm của trượng phu, ngăn cản các nhi tử tương tàn, dùng thủ pháp độc đáo của mình, hết lần này đến lần khác hóa giải mọi nguy cơ, góp phần sáng lập một thời kỳ thịnh thế “Văn Cảnh chi trị”. Tên của cô được ghi vào sử sách, được hậu nhân xưng tụng.
Vạn Phụng Chi Vương (2011)
Y Lan vốn là Đích phúc tấn của Mục Thân vương Miên Di. Tân hôn hai tháng, Miên Di đi đánh trận ở biên ải, sau đó mất tích không trở lại. Cung Từ Hoàng thái hậu xem Y Lan là điềm gở, vô cùng xa lánh nhưng Đạo Quang Đế Miên Ninh lại ân chuẩn cho cô vào cung sinh sống. Thực ra, Miên Ninh chơi với Y Lan từ nhỏ, lớn lên đem lòng thương mến, vốn định xin Gia Khánh Đế thành thân thì Mục Thân vương đã thỉnh chỉ và được ân chuẩn trước.
Y Lan sống an phận trong biệt uyển, hàng ngày trồng hoa chép kinh, cầu phúc cho phu quân trở về. Vậy mà hai năm trôi qua Miên Di vẫn bặt vô âm tín. Khi này, Đạo Quang lập Nguyên Uyển làm Hoàng hậu nhưng vẫn nhung nhớ Y Lan. Nguyên Uyển ganh ghét, cũng như sợ Y Lan uy hiếp Hậu vị, nhân lúc Thái hậu tin Miên Di lành ít dữ nhiều, đã nhờ cha là Thư Minh A thỉnh đem Y Lan tế sống để tìm thi thể Miên Di. Đạo Quang biết được nên lập tức đến cứu. Không dừng lại ở đó, anh lập Y Lan làm Phi, lấy lý do “đại ca báo mộng”.
Từ đó, Y Lan phải đối đầu với Hoàng hậu, phi tần hậu cung và cả mẹ chồng là đương kim Thái hậu. Để sinh tồn, cô gạt bỏ bản tính lương thiện không tranh với đời, trở thành một người “thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết”. Cuối cùng không thể thoát khỏi số phận “Vạn phụng chi vương dù có được thiên hạ nhưng trời định phải sống trong cô độc, trả một cái giá rất đắt”.
Chân Hoàn Truyện (2012)
Lấy bối cảnh thời Ung Chính, xoay quanh cuộc đời Chân Hoàn – con gái của Đại lý tự Thiếu khanh là Chân Viễn Đạo. Trong kì tuyển tú đầu tiên sau khi lên ngôi của Ung Chính Đế, dù đã cố tình ăn mặc và trang điểm đơn giản nhưng Chân Hoàn vẫn lọt vào mắt xanh của Thiên tử vì có dung mạo đến năm phần giống Hoàng hậu quá cố của ông, Thuần Nguyên Hoàng hậu.
Ban đầu, Chân Hoàn luôn muốn đứng ngoài cuộc tranh giành quyền lực của các phi tần, nhưng khi được hoàng đế sủng hạnh cũng là lúc cô không thể không bước chân vào cuộc chiến, từng bước học cách tính kế để bảo vệ mạng sống của bản thân và gia tộc.
Thế nhưng tưởng như mình đã hoàn toàn chiến thắng sau khi đánh bại Niên Thế Lan, Chân Hoàn đau đớn đối diện sự thật rằng hoàng đế vốn chỉ xem cô là thế thân của Thuần Nguyên Hoàng hậu, đồng thời cũng nhận ra vị hoàng hậu mà cô luôn nghĩ là đồng minh của mình hóa ra lại là bậc thầy ném đá giấu tay.
Tuyệt vọng, sau khi hạ sinh con gái của mình với hoàng đế, Chân Hoàn xuất gia làm ni cô, và cũng trong đoạn thời gian này mà cô nên duyên với Quả Quận vương Doãn Lễ – em trai thứ 17 của hoàng đế. Mối tình của cả hai nhanh chóng kết thành cái thai song sinh trong bụng Chân Hoàn, nhưng giữa lúc đó cô nghe tin Doãn Lễ chết.
Không tin đây là tai nạn, ngay sau đó biết gia đình của mình cũng bị ám hại, Chân Hoàn hạ quyết tâm lợi dụng chuyến thăm viếng của hoàng đế mà hồi cung. Lần này Chân Hoàn được sửa họ thành Nữu Hỗ Lộc, được đổi thành phong hiệu là Hi, vị hiệu Phi, bước vào một hành trình mới phục thù.
Như Ý Truyện (2018)
Những năm Ung Chính còn tại vị, sau khi bị đánh rớt khỏi buổi tuyển tú của Tam a ca Hoằng Thời, thiếu nữ Ô Lạp Na Lạp Thanh Anh được Tứ a ca Hoằng Lịch quyết định chọn làm Đích Phúc tấn. Tuy nhiên lúc đó, Hi Quý phi – dưỡng mẫu của Hoằng Lịch muốn để Phú Sát Lang Hoa làm Đích Phúc tấn, nhưng Hoằng Lịch không chấp nhận mà chỉ để Lang Hoa làm Trắc Phúc tấn.
Giữa buổi tuyển chọn, Ung Chính đột nhiên tuyên bố Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị đã phạm trọng tội nên bị cấm túc vĩnh viễn ở Cảnh Nhân cung. Kết quả, Hoằng Lịch không thể chọn Thanh Anh làm Đích Phúc tấn như đã muốn, sau này Hoằng Lịch cầu xin Ung Chính để Thanh Anh làm Trắc Phúc tấn, đồng thời phong Lang Hoa làm Đích Phúc tấn.
Sau khi Ung Chính băng hà, Hoằng Lịch kế vị, tức Càn Long đế, Hi Quý phi trở thành Hoàng thái hậu. Cô ruột thất thế, Thanh Anh ý thức được vị thế của mình nên cố gắng yên ổn sống trong cung, đồng thời đến xin Thái hậu ban cho mình một cái tên mới, ý muốn bắt đầu một cuộc sống mới. Thái hậu chấp thuận, ban cho nàng cái tên Như Ý.
Nội dung sau đó của câu chuyện xoay quanh những âm mưu, toan tính tranh đấu trong hậu cung, những mối quan hệ của Như Ý và những người đối nghịch như Phú Sát Lang Hoa, Cao Hy Nguyệt, Kim Ngọc Nghiên, Vệ Yến Uyển hoặc đồng minh như Kha Lý Diệp Đặc Hải Lan, Tô Lục Quân, Diệp Hách Na Lạp Ý Hoan, Ba Lâm Mi Nhược và Hàn Hương Kiến.
Như Ý từ một phi tần có tội bị đày vào Lãnh cung mà có thể từng bước lên lên ngôi vị Hoàng hậu, nhưng rồi vẫn đi đến kết cục bi thảm. Xuyên suốt câu chuyện là mối tình lâu dài đầy những thăng trầm giữa Càn Long và Như Ý. Kết cục, Như Ý cắt tóc, đốt tranh, buông bỏ tình cảm của mình với Càn Long, sau đó mang bệnh mà mất.
Diên Hi Công Lược (2018)
Lấy bối cảnh những năm đầu thời Càn Long nhà Thanh, thiếu nữ Ngụy Anh Lạc nhập cung làm cung nữ để điều tra chân tướng cái chết của người chị gái và thề sẽ giành lại công lý cho chị mình. Cô vô tình bị cuốn vào những cuộc chiến đẫm máu và tàn khốc nơi cung đình.
Phú Sát hoàng hậu là người hiền lành đức độ, tuân thủ lễ pháp, lo lắng Anh Lạc bị thù hận che lấp nên luôn quan tâm và che chở cô. Được Hoàng hậu dạy bảo, Anh Lạc từng bước trưởng thành và trở thành một nữ tử kiên cường chính trực, bỏ lại mọi thù hận để có một cuộc sống đúng đắn.
Tuy nhiên sau đó, Hoàng hậu gặp nhiều biến cố nên bất hạnh qua đời, khiến cho Ngụy Anh Lạc đối với Càn Long hiểu lầm chồng chất. Hai người từ căm ghét lẫn nhau, dần dần trở nên thấu hiểu và phải lòng đối phương. Bằng ý chí anh dũng và trí thông minh vượt trội, Anh Lạc đã hóa giải những khó khăn trùng điệp, trở thành người có địa vị cao nhất hậu cung, thay Càn Long quản lý phi tần, cùng ông hưởng thụ trọn vẹn thời thái bình thịnh thế.