Tên gốc của tác phẩm không phải là The Night Watch (Tuần đêm)
Bức Tuần đêm được hoàn thành vào năm 1642 và cho đến năm 1797 mới được gọi là The Night Watch (Tuần đêm). Bức tranh mô tả một đội dân quân Hà Lan vào thế kỷ 17. Người Đại úy ở trung tâm bức tranh đang hạ lệnh cho Trung úy bên trái của mình để cả đội chuẩn bị tuần hành. Một trong những tên chính thức khá dài của tác phẩm là “Militia Company of District II under the Command of Captain Frans Banninck Cocq” (Đội dân quân quận II dưới quyền chỉ huy của Đại úy Frans Banninck Cocq).
Tên là Tuần đêm nhưng lại tả cảnh ban ngày
Tuần đêm tả cảnh ban ngày nhưng bị hiểu nhầm là ban đêm do lớp varnish (lớp phủ bảo vệ tranh) cũ bị xỉn màu, làm màu tranh tối đi. Thêm vào đó, lối tả sáng tối đặc biệt đầy kịch tính của Rembrandt khiến phần hậu cảnh chìm trong bóng tối, lại càng tạo cảm giác màn đêm đã buông xuống. Vào những năm 1946–47, bức tranh đã được gỡ bỏ lớp varnish cũ. Thế nhưng người ta vẫn chỉ nhắc đến nó với cái tên ngắn gọn và dễ nhớ là The Night Watch (Tuần đêm).
Bức Tuần đêm đã bị xén bớt vào năm 1715
Bức Tuần đêm được đặt hàng bởi Đại úy Frans Banninck Cocq và các thành viên của đội dân quân cho Kloveniersdoelen, một trong các trụ sở chính của họ. Năm 1715 thì được chuyển vào Toà thị chính của Amsterdam, nay là Cung điện Hoàng gia. Để vừa với chỗ treo trong Toà thị chính, bức tranh đã bị xén bớt bốn mảnh. Bên trái bức tranh bị xén nhiều nhất và những mảnh này chưa bao giờ được tìm thấy.
Tuy nhiên, một bản sao bức Tuần đêm, được cho là do Gerrit Lundens vẽ vào khoảng những năm 1642–1655 có thể giúp chúng ta hình dung lại toàn bộ tác phẩm.
Vào thời của Rembrandt, bức Tuần đêm đã gây tranh cãi
Tranh chân dung nhóm dân quân là một chủ đề phổ biến mang tính trịnh trọng trong hội họa Hà Lan thế kỷ 17. Đây là những người lính tự nguyện bảo vệ thành phố thuộc tầng lớp giàu có của xã hội Hà Lan.
Theo truyền thống, các nhóm dân quân thường được mô tả đứng hoặc ngồi yên một cách trang nghiêm trong một bố cục đơn giản và các thành viên được chiếu sáng một cách đồng đều. Một ví dụ đặc sắc là bức Đội dân quân quận XI dưới quyền chỉ huy của Đại úy Reynier Reael (1637) do Frans Hals và Pieter Codde vẽ trước bức Tuần đêm vài năm.
Còn bức Tuần đêm được vẽ theo phong cách Baroque, mô tả những người dân quân với các cử chỉ sinh động trong một bố cục mới mẻ. Ánh sáng tuyệt đẹp hướng sự chú ý đến viên Đại úy và Thiếu úy và tạo sự đối lập rõ ràng giữa vùng sáng và tối. Rembrandt đang kể một câu chuyện thay vì diễn tả những chân dung bất động.
Bên trái có người đang nạp đạn, ở giữa thì có người nổ súng làm khói bốc lên và bên phải thì có người đang lau súng. Ngoài ra, người ta có thể tưởng tượng ra nhiều tiếng động từ chó sủa đến người đánh trống. Tuần đêm đã khuấy động dư luận thời đó vì phá bỏ truyền thống của chân dung dân quân.
Ý nghĩa cái bóng bàn tay của Đại úy Frans Banning Cocq
Một chi tiết ít ai để ý nhưng lại đầy ẩn ý chính là cái bóng bàn tay của Đại úy Frans Banning Cocq trên chiếc áo tinh xảo của Trung úy Willem van Ruytenburch. Giữa ngón cái và ngón trỏ của ông chính là hình huy hiệu của thành phố Amsterdam (Hà Lan), con sư tử vàng đứng cạnh một chiếc khiên có hình ba dấu X (Thánh giá Thánh Andrew). Chi tiết này ám chỉ rằng thành phố luôn an toàn dưới bàn tay bảo vệ của dân quân.
Bé gái trong tranh là một mascot (linh vật hay người đem lại may mắn)
Cô bé mặc chiếc váy thanh lịch màu xanh và vàng đang bừng sáng đứng cạnh viên Đại úy là một chi tiết bí ẩn. Cô mang theo một con gà chết bị treo ngược. Móng (claws) gà hướng lên trời, ám chỉ huy hiệu của đội dân quân trong tranh cũng như cái tên ‘clauweniers’ (tên gọi của những người lính hỏa mai). Ngoài ra còn có các hình ảnh tượng trưng cho đội dân quân như là túi đựng thuốc súng và súng cầm tay. Cô bé chính là biểu tượng may mắn của họ.
Trong Tuần đêm có thể có chân dung tự họa của Rembrandt
Người đàn ông đội mũ nồi lấp ló sau người cầm cờ được các chuyên gia cho là chân dung tự họa của Rembrandt. Cũng giống như bậc thầy hội họa Jan van Eyck (mất năm 1441), Rembrandt hay ẩn chân dung tự họa trong các tác phẩm của mình.
Vào Thế chiến II (1939–1945), bức Tuần đêm đã được giấu trong một cái hang ở Maastricht
Vào tháng 9 năm 1939, bức Tuần đêm đã được di dời khỏi bảo tàng Rijksmuseum cùng với 30.000 tác phẩm khác. Ban đầu, bức tranh được giấu trong một cái hầm bí mật gần Castricum, được xây riêng cho các tác phẩm nghệ thuật bởi bảo tàng Stedelijk. Khi việc thi công Atlantic Wall (Bức tường Đại Tây Dương) bắt đầu vào năm 1942, bức tranh được chuyển vào trong hang ở St. Pietersberg tại Maastricht, thuộc miền Nam Hà Lan.
Bức Tuần đêm đã bị tấn công 3 lần
Vào năm 1911, bức Tuần đêm đã bị tấn công bằng dao nhưng chỉ có lớp varnish bị ảnh hưởng. Một lần tấn công bằng dao khác vào năm 1975 khiến tác phẩm bị hư hỏng nặng. Khi đó, một người đàn ông đã rạch 12 nhát vào tranh. Vào ngày 6 tháng 4 năm 1990, bức Tuần đêm bị xịt a-xít. Nhưng nhờ bảo vệ can thiệp kịp thời nên chỉ có lớp varnish bị hỏng. Vậy là chỉ có cuộc tấn công năm 1975 là làm tổn hại đến bức tranh nhiều nhất.
Bức Tuần đêm đã được xử lý phục chế ít nhất là 25 lần
Trong đó, Operation Night Watch của năm 2019 sẽ là dự án nghiên cứu toàn diện nhất trong lịch sử của bức Tuần đêm. Dự án bao gồm việc sử dụng các kỹ thuật hình ảnh, chụp ảnh với độ phân giải cao và công nghệ phân tích tiên tiến để quyết định phương án phục chế tốt nhất cho tác phẩm.
Sau 377 năm tồn tại của kiệt tác Tuần đêm, người ta vẫn không ngừng bảo vệ, nghiên cứu và phục chế bức tranh cũng như không thôi nhắc đến tên của bậc thầy Rembrandt. Tuần đêm đích thực là một di sản của nhân loại, như lời của Taco Dibbits, giám đốc bảo tàng Rijksmuseum đã gợi ý trong video giới thiệu về Operation Night Watch. Với giá trị nghệ thuật trường tồn cũng như giá trị lịch sử vô giá của tác phẩm, chắc chắn Tuần đêm sẽ tiếp tục được mọi người bảo vệ và vượt qua những cuộc tấn công vô nghĩa.