Tại sao fan ‘Thần Đồng Đất Việt’ không chấp nhận ‘Trạng Tí Phiêu Lưu Ký’?

05/01/2021
Tại sao fan 'Thần Đồng Đất Việt' không chấp nhận 'Trạng Tí Phiêu Lưu Ký'?
391
Views

Được nhìn thấy bộ truyện tranh mình thích chuyển thể thành phim thì ai lại không thích, chưa kể còn là màn ảnh rộng thì lại quá hạnh phúc đi. Tất nhiên nếu nó là live action thì… khụ… Nhưng không có nghĩa ta không thể hi vọng, đúng không?

Và khi thông tin bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt được lên màn ảnh rộng, rất nhiều người cảm thấy vừa hào hứng vừa lo lắng, vì mảng hoạt hình Việt hiện tại vẫn chưa có được niềm tin của người trong nước, mà người đóng thì không rõ sẽ truyền tải được nét nhân vật trong bộ truyện vốn đã có nét vẽ rất trừu tượng hay không. Đó là chưa kể đến phần nội dung rất dài của bộ truyện gốc.

Nhưng điều đó không có nghĩa là những độc giả yêu thích ngừng hi vọng về phiên bản phim của Thần Đồng Đất Việt – bộ truyện tranh Việt gối đầu của nhiều thế hệ trẻ em nước nhà.

Và khi trailer nội dung chính thức của Trung Tí được tung ra, hầu hết các fan bộ truyện nguyên tác đều đồng ý một quan điểm : Họ sẽ không xem phim, thậm chí tẩy chay.

Lí do này, ngạc nhiên thay, không hề liên quan đến lùm xùm bản quyền chất xám của Lê Linh và Phan Thị, mà Ngô Thanh Vân vô tình bị vướng vào. Mà nó liên quan đến cốt lõi của bộ truyện nguyên tác.

Trước khi phân tích về việc phim Trạng Tí đã sai thế nào, ta nên phân tích về thể loại phim chuyển thể dựa trên nội dung có sẵn.

Điều mọi người tất nhiên đều biết : khi một bộ phim chuyển thể được sản xuất, lượng khán giả đầu tiên của nó sẽ là lượng fan nguyên tác. Và đôi lúc, đó cũng là mục đích của các nhà làm phim, thay vì chỉ là để tăng doanh thu cho tác phẩm gốc. Như Harry Potter chẳng hạn.

Thường thì khi chuyển thể một tác phẩm từ sách thành phim điện ảnh, các nhà làm phim có ba lựa chọn để chỉnh sửa nội dung có sẵn cho phù hợp cho một bản phim điện ảnh :

  • Giữ lại hoàn toàn/hầu hết nội dung nguyên tác. Thường dành cho các nguyên tác vốn ngắn gọn, cô đọng, hoặc đã chia ra số phần sách giống các phần điện ảnh. Như Hunger Games, The Faults in Our Stars,…
  • Chỉ chuyển thể một phần nội dung. Thường dành cho các nguyên tác quá dài để có thể rút ngắn được. Thường thì dạng chuyển thể này dựa trên các bộ manga như Mugen Train hay Doraemon: Stand by me.
  • Một thể loại khác nữa mà các nhà làm phim rất hiếm khi làm chính là phóng tác nên câu chuyện mới dựa trên nguyên tác có sẵn. Dạng này có thể được tạo ra khi các nhà làm phim nhận ra câu chuyện gốc khó có thể/không thể làm phim nếu giữ nguyên cốt truyện, hoặc họ muốn thêm một số sáng tạo riêng gây ảnh hưởng đến nội dung chính đã có. Hầu hết những dạng phim chuyển thể này đều đã qua sự đồng ý của tác giả nguyên tác như franchise How To Train Your Dragon, Paper Towns,… nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ như The Hunchback of the Notre Dame khi tác giả nguyên tác là Victor Hugo đã qua đời. Movie Trạng Tí cũng đã làm theo dạng chuyển thể này.

Các dạng phim chuyển thể thứ ba thường sẽ gặp một trở ngại lớn trong việc lôi kéo các khán giả của tác phẩm nguyên tác thành phim, vì đó sẽ không còn là câu chuyện họ đã biết nữa để có thể mạo hiểm niềm tin mà đâm đầu vô một cái tên treo đầu dê bán thịt chó.

Vì thế, các nhà làm phim cần phải hiểu thật rõ nội dung và giá trị cốt lõi của tác phẩm nguyên tác để có thể sáng tạo ra một nội dung mới mang linh hồn của nguyên tác mà vẫn đủ tốt và có chất riêng để khiến khán giả vẫn yêu thích bộ phim như một tác phẩm độc lập nhưng vẫn “anh chị em” với nguyên tác.

Vậy, giá trị cốt lõi của tác phẩm là gì?

Đó là chủ đề, tinh thần, cảm xúc, tính nhân văn và ý nghĩa của tác phẩm gốc. Tác phẩm này muốn nói về điều gì? Những nhân vật trong tác phẩm có câu chuyện thế nào ? Tác giả muốn độc giả cảm nhận điều gì khi đọc nó ? Mục đích của tác giả khi sáng tác tác phẩm là gì?…

Những điều này không chỉ cần khả năng đọc hiểu và lí trí phân tích tác phẩm, mà cần một trái tim rộng mở để cảm nhận nó, để biết tại sao độc giả muốn được thấy tác phẩm này được biết đến nhiều hơn. Từ đó, các nhà làm phim sẽ sàng lọc các chi tiết cần thiết để đưa vào phim, các chi tiết nào có thể thay đổi cho phù hợp với phiên bản điện ảnh, và rồi xem xét những chi tiết có thể đưa vào kịch bản để nâng tầm giá trị sẵn có của tác phẩm gốc.

Tại sao fan 'Thần Đồng Đất Việt' không chấp nhận 'Trạng Tí Phiêu Lưu Ký'?

Quay lại với Trạng Tí – bộ phim dựa trên bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt. Giá trị cốt lõi mà bộ phim nên dựa vào để chuyển thể là gì?

Nếu bạn đã đọc truyện Thần Đồng Đất Việt, bạn sẽ rõ : đó là tình người, tình yêu quê hương, đất nước Việt Nam dựa trên những kiến thức lịch sử, văn hóa dân gian.

Tuy truyện cũng có chất viễn tưởng tâm linh là sự ra đời thần kì của nhân vật chính – vốn là đầu thai của quan nhà trời – nhưng đó cũng chỉ là một viên gạch rất nhỏ trong nền tảng nội dung của bộ truyện. Thần Đồng Đất Việt thực chất chỉ lấy đó để giải thích cho sự thông minh, mưu trí hơn người của Trạng Tí – một nhân vật đại diện cho nhiều thần đồng khác trong những trang sử của nước Việt.

Từ nhân vật Trạng Tí và những nhân vật xung quanh, tác giả Lê Linh đã lồng ghép rất rất nhiều câu chuyện của những nhân tài trong lịch sử, cùng với những kiến thức về văn hóa, tư tưởng Nho giáo,… để giáo dục trẻ em nhưng không bị khuôn mẫu, giáo điều nhờ những câu chuyện hóm hĩnh, dễ thương. Thậm chí truyện còn xây dựng cho các em về tình yêu văn hoá quê hương, đất nước.

Sau năm 2002, đã bao nhiêu em nhỏ biết đến tích danh y Tuệ Tĩnh với châm ngôn “Nam dược trị nam nhân”, trạng nguyên Nguyễn Hiền bị vua cho về vì không đủ tuổi, hay ‘lưỡng quốc trạng nguyên’ Mạc Đĩnh Chi với bài thơ ‘Hoa sen trong giếng Ngọc’,… trong phần tích trạng của Thần Đồng Đất Việt thay vì những cuốn sách sử ngoài thư viện và nhà sách? Đó là nhờ công của bộ truyện Thần Đồng Đất Việt cả.

Không chỉ có Trạng Tí, các nhân vật khác cũng rất đa dạng về tính cách, địa vị xã hội và vai trò trong truyện. Lượng nhân vật trong Thần Đồng Đất Việt cực kì đa dạng nhưng vẫn rất dễ nhớ với tên gọi, hình ảnh và tính cách riêng, như Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo, hay cô Hai Hậu, thầy Đồ Kiết, bà Tám Tiền, anh Que Hàn, đến các nhân vật có địa vị lớn như tể tướng Tào Hống, Nam Thiện Vương, thừa tướng Vương Đại Gian,…

Tại sao fan 'Thần Đồng Đất Việt' không chấp nhận 'Trạng Tí Phiêu Lưu Ký'?

Nếu như những nhân vật trong làng Phan Thị là những người chất phác, lương thiện, tuy mỗi người một tính nhưng cuối cùng vẫn đều đùm bọc lẫn nhau, thể hiện tình tương thân tương ái thì những nhân vật có địa vị cao hơn cũng thể hiện cho một xã hội phức tạp lớn hơn: có người tốt, kẻ xấu, có người trọng dụng, yêu quý nhân tài nhưng cũng có kẻ sẵn lòng đạp đổ người giỏi nếu họ không mang lại lợi ích cho chúng, có kẻ bất tài nhưng dùng tiền bạc để nâng đỡ thân tích, tên giỏi giang nhưng tâm địa độc ác sẵn sàng xúi giục nhà vua làm chuyện trái luân thường đạo lý, cũng không thiếu những người có tài, đức, quyền mong muốn điều tốt cho sơn hà xã tắc nhưng cũng có những tên a dua gió thổi chiều nào theo chiều nấy,…

Tất cả đều có vai trò riêng trong một câu chuyện lớn hơn. Các nhân vật này không những vừa đủ để độc giả nhỏ tuổi tuổi học hỏi về xã hội, mà còn giúp truyện tăng thêm chiều sâu và sống động hơn hẳn những bộ truyện tranh cho trẻ em với tốt xấu rõ ràng.

Và cuối cùng là nhân vật có thể xem là nhân vật tiêu đề của bộ truyện : Trạng Tí. Nếu xét trên phương diện dân gian, Trạng Tí là nhân vật chính trong truyện cổ tích điển hình với hoàn cảnh nghèo khó, gia đình không hoàn thiện (không có cha), có khiếm khuyết hình thể (thiếu hai chiếc răng), bị nhiều thế lực bốc lột, gây khó dễ (Bá hộ Mão, tể tướng Tào Hống, thừa tướng Vương Đại Gian,…) nhưng vẫn giữ được trái tim lương thiện, tin tưởng vào cái tốt và có được sự công bằng sau cùng.

Còn nếu xét về phương diện văn hóa lịch sử, đây là nhân vật tổng hoà và đại diện cho những nhân tài của nước nhà, là hóa thân của trí tuệ người Đại Việt nói riêng và dân Việt Nam nói chung.

Tại sao fan 'Thần Đồng Đất Việt' không chấp nhận 'Trạng Tí Phiêu Lưu Ký'?

Tuy thế, Trạng Tí vẫn nhận được nhiều sự yêu thích từ độc giả nhỏ tuổi từ tính người rất riêng : cậu vẫn là một đứa nhỏ nghịch ngợm, đôi khi láu cá và làm chuyện bao đồng, thỉnh thoảng cậu còn có chút tự phụ và không thể không mắc lỗi.

Điều đó khiến Tí không quá hoàn hảo, xa vời với độc giả mà còn giúp các bạn nhỏ có thể liên hệ với nhân vật. Nhưng một nhân vật dù có tính cách thế nào cũng không thể thể hiện chúng nếu không có các nhân vật khác để cùng tương tác.

Và đây là lúc nhân vật thể hiện những đức tính đáng quý : sự hiếu thảo với mẹ, kính trọng với thầy, tình thương và mong muốn giúp đỡ, gỡ rối cho bất công của những người khác,… từ đó nên nhân vật Tí sún mới được người dân trong làng yêu quý và gọi là “Trạng Tí” và xem cậu là niềm tự hào của làng. Cách tương tác của nhân vật với những người trong làng cũng dần thể hiện tình cảm tốt đẹp giữa những người cùng làng quê, nối thành tình yêu quê hương xứ sở.

Trong tập 27 ‘món quà roi mây’, khi bị tể tướng hãm hại mất hết bổng lộc trước mắt và công sức ăn học đã qua do không chịu luồn cúi, Tí sún nhanh chóng chấp nhận hiện thực và vui vẻ quay lưng với kinh thành. Nhưng đến tập 30 ‘trò xiếc kinh hoàng’ khi đã về đến đầu làng Phan Thị, Tí đã rơm rớm nước mắt do không thể báo danh cho làng và sợ sẽ làm phụ lòng mọi người.

Nhưng điều mà Tí sún và độc giả đều không ngờ chính là cả làng Phan Thị, từ quan huyện đến bà con lối xóm đều trông ngóng cậu bé thần đồng đã đỗ trạng nguyên trở về. Thậm chí khi Tí xin lỗi đã không thể trở về với áo mũ võng lọng, chính tay dân làng đã chuẩn bị tất cả cho cậu và rước Tí về như một quan trạng thực thụ với hoa và tiếng hò reo khiến cậu không thể không cảm động mà rơi nước mắt trong hạnh phúc – và rồi cảnh tượng này trở thành một trong những cảnh đẹp nhất trong bộ truyện của tác giả Lê Linh.

Tại sao fan 'Thần Đồng Đất Việt' không chấp nhận 'Trạng Tí Phiêu Lưu Ký'?

Và rồi cuối cùng, Trạng Tí lại trở về ngôi nhà thân thương với người mẹ đang chờ và kết thúc thời gian học tài thi phận đầy gian lao. Đây chính là minh chứng cho tình yêu giữa người với người, đan với nhau trở thành tình yêu quê hương. Và cách Trạng Tí giải thích cho tình yêu nước của cậu cũng rất đơn giản: vì quê hương của cậu là một phần của đất nước, mà đất nước trường tồn thì quê hương mới được bình yên.

Vì thế cậu mới vào sinh ra tử, cống hiến bảo vệ và xây dựng đất nước không ít lần để hướng đến mục tiêu cuối cùng là bảo vệ ngôi làng chôn rau cắt rốn của mình. Đây là một cách hiểu đơn giản, nhưng cũng là nền tảng của lòng yêu nước mà các độc giả nhỏ tuổi có thể thấu được dễ dàng – và là cốt lõi quan trọng của bộ truyện Thần Đồng Đất Việt.

Bộ phim Trạng Tí tới đây, rất tiếc, không hề có những giá trị cốt lõi của bộ truyện nguyên tác.

Việc thay đổi thể loại của nguyên tác – một bộ truyện slice of life bối cảnh lịch sử thành một bộ phim phiêu lưu mang yếu tố thần thoại đã làm mất đi một yếu tố cốt lõi lớn trong bộ truyện gốc. Vì bộ truyện gốc nhờ yếu tố lịch sử mà làm nổi bật lên tình yêu quê hương đất nước, thì yếu tố thần thoại không rõ thực hư của bộ phim liệu sẽ làm được điều tương tự hay không?

Chi tiết hơn, thể loại slice of life của truyện với bối cảnh quê hương quen thuộc của truyện giúp truyện không chỉ có thể miêu tả được nhiều nhân vật và mối quan hệ của họ trong bối cảnh làng quê đơn giản mà quen thuộc, mà còn có thể khai thác những nhân vật ấy mà tạo nên những câu chuyện làm nổi bật lên tình làng xóm và tình yêu quê hương sâu sắc.

Còn trong phim Trạng Tí với thể loại phiêu lưu tâm linh huyền ảo, làm sao mà bộ phim có thể khai thác các nhân vật trên một các tự nhiên, hay khiến câu chuyện trở nên gần gũi để độc giả có thể dễ dàng tiếp nhận như cách họ trở về làng quê quen thuộc để làm nổi bật tình yêu quê hương xứ sở trong lòng người xem?

Chưa kể, việc thay đổi một phần cốt lõi của nguyên tác truyện cũng đã khiến những giá trị nguyên gốc khác không còn phù hợp với thể loại mới. Và thế là những hình ảnh, ý nghĩa quen thuộc cũ cũng bị thay mới đến mức các fan bộ truyện gốc không thể chấp nhận được.

Giống như cách các nhà làm phim thay hình Việt Nam trên áo Trạng Tí thành hình cá chép vượt vũ môn để phù hợp hơn với nội dung phim mới, nhiều đặc điểm trong tính cách của nhân vật cũng đã thay đổi đến mức khó nhận ra đó là nhân vật mà fan bộ truyện gốc đã yêu thích – có thể xem như bẻ nguyên tác.

Có lẽ như để nhân vật Trạng Tí trở nên “dễ đồng cảm” hơn, các nhà làm phim đã “neft” nhân vật vốn là tiên giáng trần này trở thành một Nobita phiên bản Việt, bị người làng xem thường còn bạn bè thì bắt nạt vì “không có cha”.

Tại sao fan 'Thần Đồng Đất Việt' không chấp nhận 'Trạng Tí Phiêu Lưu Ký'?

Dẫu chưa biết đến nội dung phim là gì, nhưng cách xây dựng nhân vật thế này không khác gì là đã giẫm đạp lên nguyên tác bộ truyện gốc. Vì trong truyện, vì cảm phục tài năng và đức độ của Tí nên bà con không hề gây khó dễ cho cậu bé, còn đám nhóc trong làng cũng rất quý và hòa đồng với thằng Tí sún vì nó khôn và giỏi bày trò chơi (vốn đã thể hiện từ tập 1 ‘pháp sư gọi bưởi’).

Vì thế cách phim dùng lời đàm tiếu của thiên hạ để làm động lực cho Trạng Tí phát triển cũng rất sai. Chưa kể tên phim ‘Trạng Tí’ cũng là biệt danh mà người làng do yêu quý và công nhận cho trí, tài, đức của thằng Tí nên mới gọi ‘Trạng’ – một chức quan do học tài thi phận mà có, mà thế thì chẳng phải tên và nội dung phim đã đối chọi, phủ nhận lẫn nhau hay sao!?

Và đấy là ta chưa nhắc đến mục đích của Trạng Tí trong phim : “đi tìm cha”, trong khi nhân vật này vốn là tiên giáng trần mà đầu thai thì làm sao mà có cha? Cũng như bạn đã thấy dị bản nào của truyền thuyết Việt Nam có đoạn Thánh Gióng đòi cha bao giờ chưa?

Với bản gốc khi nhân vật Trạng Tí luôn yêu quý mẹ mình và cả hai người đều hạnh phúc với gia cảnh nghèo khó nhưng đầm ấm, mục đích của nhân vật Trạng Tí trong phim không khác gì đã chối bỏ hết cốt lõi nhân vật đã được tạo ra trong nguyên tác và trở thành một nhân vật độc lập, không liên quan. Vì thế, dẫu đạo diễn có đưa những câu chuyện trong truyện vào phim, các khán giả cũng không thể thấy chúng có liên quan mà chịu mua vé.

Tóm lại, các nhà làm phim đã không thể hiện sự tôn trọng đến bộ truyện nguyên tác lẫn những người xem phim bằng cách ép những cái tên nhân vật trong nguyên tác vào những giá trị không liên quan. Kiểu “tôi có câu chuyện này mà tôi muốn làm thành phim, nhưng tôi sợ sẽ không ai xem nó nên sẽ lấy những cái tên trong bộ truyện tranh nổi tiếng không liên quan mà ướm vào để fan bộ truyện bỏ tiền đi xem phim”.

Dẫu bộ truyện có bị các scandal về tác quyền hay không, các fan của bộ truyện Thần Đồng Đất Việt cũng không có lí do xem phim nữa sau khi vừa biết trailer phim nói về cái gì. Trách ai bây giờ, chỉ trách đạo diễn và biên kịch đã làm nên một cốt truyện đi vào lòng đất thôi.

Article Categories:
Phân tích phim · Phim ảnh

Comments are closed.