Raya and the Last Dragon được biết đến với tựa Việt “Raya và Rồng Thần Cuối Cùng” là bộ phim hoạt hình bom tấn của Disney ra mắt năm 2021. Phim được quảng bá là khai thác bối cảnh cũng như các nhân vật chính dựa trên văn hóa đặc sắc của các quốc gia Đông Nam Á. Diễn viên lồng tiếng và biên kịch của phim có gốc Việt, Malaysia… và ê-kíp cũng có nhiều nhân sự người châu Á nữa. Vừa nghe qua đã có thể thấy Raya and the Last Dragon đã tạo được sự khác biệt và thu hút người xem rồi.
Cốt truyện và bối cảnh
Bối cảnh của phim là một vùng đất hư cấu tên là Kumandra nơi có nhiều tộc người sinh sống, bao gồm năm bộ tộc là Heart (trái tim), Fang (răng nanh), Spine (xương sống), Talon (móng vuốt) và Tail (đuôi) – tên của 5 bộ tộc dựa trên 5 bộ phận cơ thể của rồng, tất cả chúng hợp lại để tạo nên một hình tượng rồng hoàn chỉnh.
Chi tiết này theo như biên kịch Qui Nguyen và Adele Lim giải thích thì nó tượng trưng cho sự hòa hợp của các quốc gia Đông Nam Á cùng có điểm chung trong văn hóa, cụ thể là tín ngưỡng thờ phụng rồng. Nhân vật chính của phim – Raya, vốn là công chúa của tộc Long Tâm.
Kumandra từng là một vùng đất bình yên, loài người và rồng cùng sống với nhau trong cảnh no ấm cho đến khi một thế lực đen tối không xác định có tên là Druun xuất hiện. Raya mô tả Druun như một thực thể mang bệnh dịch, không có linh hồn và hoàn toàn xấu xa. Cội nguồn nguyên thủy nhất của Druun có thể được hình thành từ chính ác tâm của loài người, nó là hiện thân của cái ác thuần túy tồn tại với một mục đích duy nhất là biến tất cả mọi người nó tiếp xúc thành đá.
Điểm yếu của Druun là sợ nước và rồng, vì vậy với sự hy sinh của loài rồng, Druun đã bị quét sạch. Tuy nhiên, hành động dũng cảm đó cũng khiến long tộc gần như bị tuyệt chủng và chỉ còn lại duy nhất một viên ngọc rồng chứa sức mạnh ma thuật mà thôi.
Ở mốc thời gian khoảng 500 năm sau, phim bắt đầu với sự kiện Raya bất cẩn bị cuốn vào một vụ xung đột không cần thiết và làm phân tán ngọc rồng, đồng thời giải phóng sức mạnh tà ác ra đe dọa hủy diệt thế giới loài người. Công chúa tộc Long Tâm buộc phải lên đường tìm kiếm con rồng còn lại để giúp cô tập những mảnh vỡ của ngọc rồng nhằm khống chế sức mạnh của quỷ dữ một lần nữa.
Thông điệp mang tính giáo dục thông qua phép ẩn dụ độc đáo
Có thể thấy, mô típ của phim không có gì mới, thậm chí trở nên rất dễ đoán, Raya là một dạng nhân vật theo kiểu “người được chọn” để thực hiện sứ mệnh lớn lao. Chi tiết ngọc rồng bị phân tán lại khiến chúng ta cảm thấy khá tương đồng với tình tiết trong Dragon Ball và việc truy tầm các mảnh vỡ lại mang chút hơi hướm của các phim Avengers. Nhân vật chính thì trải qua những thử thách để trưởng thành và cuối cùng giành được thắng lợi cuối cùng trước cái ác, tất nhiên rồi.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là phim thiếu đi những chi tiết thú vị, bởi trên nền tảng câu chuyện gốc rất kinh điển, nhà làm phim đã có cách thể hiện khác lạ.
Trước hết là tạo hình Raya, có vẻ ngoài như một cô gái trẻ người Đông Nam Á dáng người mảnh khảnh nhưng có cơ bắp săn chắc, da rám nắng, tóc đen dài và mắt nâu sẫm. Cô ấy mặc áo vàng, áo khoác nâu, thắt lưng da, quần jean xanh ô liu có sọc xanh nhạt, ủng màu nâu sẫm và hạt dẻ, áo choàng đỏ có sọc xanh ngọc mỏng, vòng cổ màu vàng và đội nón lá – nhìn kiểu gì cũng thấy các phục sức đặc trưng với những tông màu rất “châu Á”.
Cô ấy cũng đeo một dải băng màu xanh trên khuỷu tay, và một chiếc vòng cổ dày màu nâu trên cánh tay phải. Trong tiếng Malaysia, cái tên Raya có nghĩa là “sự chúng mừng”. Đảm bảo là bạn chưa bao giờ gặp được một tạo hình đậm nét Đông Nam Á đến như vậy, nó sẽ hoàn toàn khác với Mulan cũng của Disney.
Raya (Kelly Marie Tran lồng tiếng) giống một chiến binh đơn độc và thiện chiến hơn là một nàng công chúa cổ điển, cô ấy sẵn sàng vung kiếm hơn là nhiều lời. Adele Lim – nhà biên kịch người Mỹ gốc Malaysia từng tham gia dự án Crazy Rich Asian và Qui Nguyen – nhà biên kịch người Mỹ gốc Việt cùng chia sẻ những giá trị của họ khi tạo ra một nhân vật mà cả hai từng mơ mộng tới khi còn trẻ. Họ nhấn mạnh rằng Raya cũng như các nhân vật nữ khác trong phim sẽ có sức mạnh và sự kiên trì đáng nể bắt nguồn từ nét đặc trưng trong văn hóa.
Theo như Adele Lim chia sẻ, ở các nước Đông Nam Á, có những truyền thống tuyệt vời về các nữ lãnh đạo, tướng lĩnh quân sự và chiến binh nữ giới. Bên cạnh đó là truyền thuyết về rồng/rắn thần, ví dụ như Naga, đặc biệt là có liên quan tới nước. Ở Malaysia, chúng ta có chiến binh Tun Fatimah, hay những câu chuyện về Naga Tasik Chini – con rồng của Hồ Chini. Hình tượng Naga và những người phụ nữ mạnh mẽ có mặt trong rất nhiều nền văn hóa Á Đông, vì vậy đó là những chủ đề thực sự sẽ tạo nên tiếng vang cho bộ phim.
Nhà biên kịch Qui Nguyen cho biết thêm về ý tưởng khi tạo hình nhân vật Raya: “Trong văn hóa Việt Nam, có câu chuyện về Hai Bà Trưng rất nổi tiếng. Họ là những chiến binh Việt Nam lừng danh mà tôi chắc chắn đã nghĩ đến. ” Hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy vào thế kỷ thứ nhất chống lại nhà Hán của đế quốc Trung Hoa. Trong một thời gian, họ đã đẩy lùi những kẻ đô hộ.
Ngoài Druun, còn có một đối thủ đáng gờm của Raya là Namaari (do Gemma Chan lồng tiếng) vốn là công chúa của bộ tộc Fang, Qui Nguyen giải thích rằng anh luôn quan tâm đến những nhân vật phản diện mà người ta có thể “đồng cảm” – chẳng hạn như Killmonger trong Black Panther. Qui Nguyen từng nói rằng khi bạn hiểu được hoàn cảnh của những nhân vật phản diện đó, bạn sẽ nghĩ :“Ồ, nếu triết lý của họ chỉ thay đổi một chút thôi, họ sẽ là người hùng của bộ phim ”. Namaari là một nhân vật như thế và chi tiết này cũng khiến bộ phim hấp dẫn hơn nhiều.
Sự khác biệt duy nhất giữa Raya và Namaari là họ đều mang một định kiến và gánh vác trách nhiệm chăm lo cho bộ tộc của mình. Họ cùng muốn tìm gặp con rồng Sisu, nếu Namaari tìm thấy Sisu trước, thì bộ phim này có thể diễn ra theo cách hoàn toàn ngược lại. Bộ phim thực sự là cuộc hành trình của hai nhân vật có tinh thần đồng điệu, hai người muốn kết bạn, nhưng vì trách nhiệm của họ, cách duy nhất để có thể thành công là buộc phải chiến đấu với nhau.
Trên thực tế, cuộc phiêu lưu trong phim này là quá trình để các nhân vật nhận ra rằng hợp tác song phương mới là cách tốt nhất để tồn tại trước các thế lực xấu xa. Đây là một tình huống thường thấy của các nước Asean khi phải đối mặt với sức ép từ một cường quốc, nếu bạn đoán ra người viết đang ám chỉ điều gì.
Điều giúp Raya và Namaari bỏ đi định kiến đè nặng tâm hồn mình là một con rồng kỳ quặc có tài bơi lội rất giỏi – Sisu. Khi nói về con rồng nước bắt nguồn từ huyền thoại rắn thần Naga này, biên kịch Adele Lim và Qui Nguyen từng chia sẻ rằng “con rồng cuối cùng” của bộ phim “có lẽ là một trong những nhân vật thuyết phục nhất“. Khả năng của Sisu trong việc giúp Raya và Namaari thấy được những điều tốt đẹp ở con người và lợi ích của cộng đồng đã mở ra một trong những bài học xúc động của bộ phim.
Xứ sở Kumandra bị rạn nứt và tràn đầy thù hận vì mọi người không còn tin tưởng lẫn nhau, mỗi bộ tộc lại khinh rẻ những tộc còn lại vì sự khác biệt của họ. Tuy nhiên, rồng Sisu – tượng trưng cho văn hóa và tín ngưỡng, điểm chung giữa các quốc gia Asean sẽ một lần nữa giúp các bộ tộc đoàn kết trở lại. Ở đây, việc các mảnh vỡ ngọc rồng bị thất lạc (ám chỉ sự chia rẽ) được tìm lại (hàm ý sự đoàn kết) cũng là phép ẩn dụ ấn tượng và dễ hiểu với hầu hết khán giả.
Tất nhiên, phim cũng cài cắm một số chi tiết vui nhộn liên quan đến văn hóa các nước Asean, nếu tinh ý, bạn có thể nhận ra quốc gia của mình khi xem phim. Chi tiết dễ thấy nhất là Tuk Tuk – một sinh vật có 1/3 là bọ, 1/3 armadillo (con trút) và 1/3 là một con chó, nó là thú cưng của Raya, với khả năng lăn thành quả bóng để làm phương tiện di chuyển. Tuk Tuk là tên gọi của loại xe thường gặp ở Thái Lan dùng để chở khách hoặc chở đồ, tại Việt Nam cũng phổ biến, gọi là “xe lam”.
Đáng xem nhưng không thực sự thỏa mãn
Raya and the Last Dragon ra mắt trong bối cảnh thế giới đã trải qua một năm khủng hoảng do đại dịch Covid-19, kèm theo đó là sự gia tăng các hành vi phạm tội và thái độ căm thù đối với cộng đồng châu Á. Với cảm giác chia rẽ của thế giới hiện tại, nhiều ý kiến đồng tình rằng bộ phim có thể đưa ra một lời kêu gọi rất cần thiết cho sự đoàn kết, đồng thời mang lại tầm nhìn xa hơn cho cộng đồng Đông Nam Á. Đó cũng là lý do mà bài viết này tập trung khá nhiều vào việc phân tích thông điệp và phép ẩn dụ của phim hơn là các yếu tố khác.
Ngoài ra, cần nói là phim hướng tới khán giả đại chúng trẻ tuổi nên sẽ không thể được xây dựng quá đen tối mà chủ yếu tập trung vào độ chi tiết của khung cảnh, nhân vật đầy màu sắc… để tạo nên một trải nghiệm thị giác lạ mắt, mờ ảo trên nền âm thanh huyền bí, cổ xưa.
Phim được chèn vào nhiều tình tiết vui nhộn hài hước, các pha hành động đánh nhau thì đẹp và độc đáo nhưng không quá bạo lực, nhìn chung là nhẹ nhàng về tổng thể. Sẽ có nhiều khán giả không hài lòng về điểm này vì trailer được build-up bởi không khí chiến trận khá căng thẳng, tuy nhiên phim được rated PG mà, nên không thể đòi hỏi hơn được. Tóm lại, phim phù hợp cho một buổi tối ấm cúng cùng gia đình, bạn bè với tiếng cười và thông điệp giáo dục, đừng mong gì hơn điều đó.