Cảm nhận chung
Bố Già – một bộ phim tưởng chừng như hài hước về tình cảm gia đình vì sở hữu dàn diễn viên nổi tiếng trong làng hài nhưng ẩn sâu bên trong lại đậm chất bi. Một bộ phim chuộng người xem về cả phần nghe, phần nhìn và cả phần nội dung bởi ai cũng có thể xem, hiểu, cảm nhận, được và đâu đó hầu hết chúng ta đều thấy một phần mình trong đó dù ở khía cạnh nào.
Về cảnh quay
Cảnh quay không quá cầu kỳ, không có núi rừng thiên nhiên hùng vĩ, hay biển, canh cát trắng, sóng vỗ rì rào mà nó chỉ xoay quanh 1 con hẻm ở Sài Gòn, quanh năm bị ảnh hưởng của triều cường. Với bối cảnh quá quen thuộc như vậy thì giường như Đoàn làm phim rất khó để có thể làm mới nó, nên đạo diễn đã đi sâu vào làm đẹp từng hình ảnh tưởng chừng như đã quá thân quen.
Từ những ngôi nhà cũ kỹ, từng con đường chật hẹp bao nhiêu người hối hả sống chung, cả những chiếc xe honda chở gạo lúc nào cũng phải bọc ni-lông che chắn vì nước tạt lúc triều lên đến từng cái tủ gỗ, hay cầu thang gỗ mà chỉ có những ai ở Sài Gòn mới thấy được và nhiều vật dụng trong nhà, ngoài đường khác đã làm nên một Bố Già đậm chất đời thường trở nên đẹp một cách kỳ lạ.
Thêm một số cảnh quay rất đáng ghi thêm điểm cộng là cảnh tiệc đêm gia đình Giàu Sang Phú Quý lúc Bình Lợi khao lên chức trưởng phòng, cảnh anh Quý bị đâm rồi lao xuống bờ sông Sài Gòn xung quanh là những cây lục bình trôi dạt y như cuộc đời anh vậy, rồi cả cảnh nhộn nhịp buổi sáng hay nước ngập lên đến cả nửa bánh xe khi triều lên ở khu hẻm nhỏ nữa.
Về nội dung, cốt phim
“Gần gũi” và “Đời thường” là 2 từ khi nói về nội dung phim. Như đã đề cập ở đầu, đây là bộ phim rất dễ chuộng người xem bởi tính gần gũi từ cách chọn chủ đề cũng như bối cảnh. Tuy nhiên, đạo diễn đã rất biết cách làm mới cái chủ đề này, bởi không hề dễ đoán tình tiết phía trước là gì. Câu chuyện xoay quanh gia đình của bốn anh chị em Giàu Sang Phú Quý sống trong 1 hẻm nhỏ ở Sài Gòn.
Người thì chồng mất, người thì vợ bỏ, người thì không có con, còn người thì nợ nần, nay đây, mai đó. Bộ phim có các tình tiết hài hước và bi thảm nó cứ đan xen nhau một cách nhịp nhàng khiến cảm xúc của người xem luôn được làm mới. Câu thoại trong phim cũng vô cùng đắt giá và bắt trend. Đã có rất nhiều lần cả khán phòng phải vỗ tay lên vì những câu thoại xứng đáng ăn điểm tuyệt đối.
Về nhạc phim
Mình chưa ấn tượng nhiều về nhạc trong phim Bố Già điện ảnh này và đúng hơn là mình thích nhạc phim bài hát giới thiệu phim Bố Già 5 tập của Kênh Trấn Thành trên Youtube hơn. Nhưng đâu đó những ca từ trong ca khúc “Cha già rồi đúng không?” của Phạm Hồng Phước cất lên ở đoạn sau của phim cũng khiến trái tim mình thổn thức bởi nhắc nhở mình nhớ về gia đình nhiều hơn, đặc biết là về bố.
Về diễn viên
Bố Già sử dụng một dàn nghệ sĩ “có số, có má” trong làng điện ảnh, showbiz Việt hiện nay nên ai vào vai cũng rất sắc nét, thành công. Một Trấn Thành hằng ngày vẫn hài hước, hoạt ngôn trên truyền hình mà nay trong hình ảnh người cha Ba Sang cực kỳ tình cảm, nhưng đầy cố chấp và sẵn sàng khùng lên bất cứ lúc nào. Một cô Ngọc Giàu với khuôn mặt phúc hậu cũng đã khắc hoạ một chị cả Hai Giàu đầy chan chứa mà cũng vô cùng hài hước. Một Tuấn Trần hào hoa, nhẹ nhàng mà khi nhập tâm vào cậu Woán cũng rất gai góc, nội tâm.
Và người mình yêu thích nhất trong phim đó là Lê Giang, khi chị vào vai Cẩm Lệ – một chủ tiệm may nặng tình. Hình ảnh của chị xuyên suốt bộ phim là sự theo đuổi Ba Sang Trấn Thành một cách bền bỉ, kiên trì. Đâu đó phảng phất trong vai diễn này của chị là sự nữ quyền, yêu thích cái đẹp bên ngoài nhưng tính cách bên trong rất mạnh bạo, cá tính và đầy tự chủ. Và còn nhiều diễn viên khác như Lan Phương, Hoàng Mèo, La Thành, Ngân Chi Bù Tọt,…. cũng đã làm tròn vai của mình khi mang lại rất nhiều tiếng cười cho khán giả.
Câu nói yêu thích trong phim
“ĐM Vì tao thương mầy” là câu nói khiến mình khựng lại và trực trào nước mắt khi Ba Sang Trấn Thành nói với thằng con trai Woat Tuấn Trần. Ngắn gọn, nhưng đầy sâu sắc và cả một sự hy sinh to lớn của người cha dành cho con.
Đánh giá chung
Điểm đánh giá: 8.9/10. Bộ phim đã lấy đi nước mắt của rất nhiều khán giả trong đó có mình nhưng cũng mang lại những tiếng cười vô cùng thoải mái. Một bộ phim đáng xem và đáng phải xem. Không biết nói gì hơn ngoài nhắn nhủ, cũng là câu kết trong bộ phim “Chúng ta còn nhiều thời gian nhưng cha mẹ thì không. Hãy dành thời gian cho những người thương yêu nhất”.
Tác giả: Hoàng Hữu Long