Sự thành công về mặt nội dung kịch bản lẫn hiệu ứng 3-D của những bộ phim hoạt hình năm 2010 đã không chỉ kéo các khán giả nhỏ tuổi tới cùng cha mẹ mà còn thu hút cả những khán giả là giới trẻ và những người yêu điện ảnh. Với mức giá vé cao hơn hẳn những bộ phim thông thường, nên các nhà sản xuất phim hoạt hình 3-D luôn phải cố gắng nhiều hơn để mang đến cho khán giả sự “sung sướng” khi thưởng thức, xứng đáng với giá vé đắt đỏ của mình.
Có lẽ chính vì sự nỗ lực của nhà sản xuất từ khâu sáng tạo nhân vật cho tới bối cảnh, mà bộ phim Megamind đã có sức hút rất lớn đối với khán giả ngay cả khi chưa khởi chiếu. Với kết quả 85% số người được hỏi quyết định sẽ ra rạp để thưởng thức bộ phim này (theo Rotten Tomatoes), chưa kể tới những fans cuồng điện ảnh xem đi xem lại nhiều lần để thỏa mãn đôi mắt của mình, thì doanh thu của Megamind hứa hẹn sẽ không hề nhỏ.
Đây là bộ phim đã được sản xuất từ khá lâu rồi, nhưng đến tận hôm qua tôi mới xem lần đầu. Vì đây là thể loại hoạt hình, nhưng cách kể chuyện và cốt truyện không đi theo lối thông thường hay gặp ở các thể loại phim hoạt hình hành động siêu anh hùng khác, nên tôi quyết định review bộ phim này.
Cách kể truyện
Tôi thấy, cách kể truyện của bộ phim già dặn và lạ hơn so với các bộ phim hoạt hình siêu anh hùng bom tấn. Thông thường, phim hoạt hình thường được khai thác góc nhìn của chính nghĩa, của siêu anh hùng, của người dân,… Nhưng câu chuyện lại được kể dưới góc nhìn thứ nhất của Villain Megamind.
Như vậy, câu chuyện sẽ trở nên thực hơn, lạ hơn, hiểu rõ về cả 2 chiều nhân vật hơn, bởi lẽ khán giả vốn đã quá quen thuộc với lối suy nghĩ “chính nghĩa tất thắng”, “hết lòng vì người dân” rồi. Trong phim có rất nhiều đoạn voice over, nói lên suy nghĩ, tâm tư của nhân vật xấu. Vì thế, bộ phim đã để cho khán giả tự quyết định, thế nào mới là chính nghĩa, thế nào mới là phản diện.
Tuy vậy, tôi thấy phân cảnh đầu tiên, khi mở đầu phim bằng đoạn Megamind rơi từ trên xuống dưới trong suy nghĩ về số phận đã định của hắn, là phân cảnh thừa. Phân cảnh đó sau này nối tiếp với diễn biến câu chuyện cũng chẳng thể nổi bật rõ về sự biến chuyển trong suy nghĩ nhân vật. Có thể ý định của đạo diễn là: phân cảnh là bước ngoặt của Megamind, khi hắn quyết định thay vì buông xuôi mọi thứ để mặc số phận dẫn dắt, hắn sẽ vùng lên và tự mình đi theo con đường mong muốn.
Tuy nhiên, tôi thấy ý định này là thừa, và không trọn vẹn trong phân cảnh trên. Bởi lẽ, thứ nhất, Megamind đã quyết định chắc chắn con đường của mình kể từ khi quyết định chiến đấu với Titan rồi; thứ hai, phân cảnh rơi nó chỉ là một nhát cắt nhẹ trong chuỗi sự kiện hành động của Megamind, chứ bản thân nó không phải nhát cắt trong chuỗi cảm xúc của hắn, nên việc tách ra để chuyển lên đầu phim là không cần thiết và bị thừa.
Cốt truyện
Tôi đánh giá cao về cốt truyện của phim. Khi xem phim hoạt hình, hoặc thậm chí các bộ phim bom tấn về superheroes, tôi thấy đạo diễn thường tạo diễn biến của phim khá đơn giản và xuyên suốt:
Mở đầu (giới thiệu nhân vật hero và villain) – Diễn biến (Hero luyện tập để mạnh hơn, hoặc quá trình hero đã chiến đấu với villain) – Cao trào (Hero chiến đấu với villain) – Thắt nút (Hero gặp khó khăn gì đó) – Cao trào lần 2 (mở nút thắt, giải quyết sự việc) – Kết thúc (Hero chiến thắng)
Tuy nhiên, trong Megamind thì diễn biến khác một chút:
Mở đầu
Giới thiệu 2 nhân vật villain và hero. Đồng thời thể hiện tại sao Megamind lại quyết định trở thành villain thay vì trở thành người có ích (vì số phận không cho phép).
Diễn biến
Diễn biến của phim lại là 1 chuỗi mắt xích các câu chuyện đan xen nhau:
Câu chuyện 1: Megamind – Metroman
– Diễn biến: Megamind bắt cóc Roxanne, nhằm dụ Metroman đến cứu
– Bước ngoặt, cao trào: Metroman ngay lập tức tìm ra hang ổ của Megamind, nhưng lại rơi vào bẫy. Nhưng tia X-ray huỷ diệt mà Megamind sáng tạo ra để đánh bại Metroman lại chưa thể hoạt động ngay được, nên Metroman hoàn toàn có thể thoát ra và đánh cho Megamind một trận. Nhưng, hoá ra Metroman lại bị nguyên liệu đồng hút sức mạnh, nên anh không thể thoát ra được khỏi bẫy đó.
– Kết thúc: Megamind đã bắn tia X trúng Metroman và giết chết anh ta.
Câu chuyện 2: Megamind – Tightan
– Mở đầu: lần đầu tiên, Megamind đã giết được anh hùng – Metroman – biểu tượng thành phố, của hoà bình.
– Problem: Sau khi cảm thấy sung sướng, hắn lập tức rơi vào trạng thái cô lập, bế tắc, vì mất mục tiêu. Giống như trong DC, Batman sinh ra là để chiến đấu với Joker và Joker cũng vậy. Âm luôn cần có Dương, có chính nghĩa thì có phản diện. Mất 1 thế cực, mọi thứ trở nên đảo lộn mất cân bằng. Metroman chết, Megamind không ra sức phá hoại thành phố, mà hắn chỉ sung sướng hết cỡ vì đạt được mục tiêu của mình. Tuy vậy, giống như con người vốn thế, khi đạt được 1 mục tiêu phấn đấu cả đời, họ sẽ cảm thấy lạc lõng mất phương hướng.
– Diễn biến: Megamind quyết định tạo ra 1 superhero mới dựa trên DNA của Metroman bằng cách bắn DNA vào Hal – 1 phóng viên hậu đậu, tồ tệch, ngốc nghếch. Megamind đóng giả làm “Bố vũ trụ” để dạy Hal trở thành Titan – 1 superhero mới thay thế Metroman
– Bước ngoặt: Titan thay vì trở thành superhero, đã biến thành 1 villain thất tình, mất lí trí, sẵn sàng tiêu diệt cả thành phố
– Giải quyết: Megamind đã đánh bạn Titan để trở thành hero mới của thành phố.
Câu chuyện 3: Megamind – Roxanne
Mở đầu: Sau khi Metroman bị tiêu diệt, Roxanne – 1 phóng viên nữ khá sắc sảo, cảm thấy trống rỗng, lạc lõng vì thành phố bị mất đi biểu tượng, mất đi công lý. Ngắm nhìn tượng đài Metro, cô gặp Megamind – đóng giả Bernard, và chính cô gợi ý cho Bernard tạo ra 1 superhero
Diễn biến: Sau cuộc gặp gỡ bất ngờ tại hang ổ của Megamind, Megamind (dưới danh nghĩa Bernard) đã bị cảm động bởi Roxanne. 2 người bắt đầu hẹn hò và đi chơi với nhau.
Nút thắt: Roxanne phát hiện ra Bernard chính là Megamind giả dạng. Căm tức vì hắn đã lừa dối cô, Roxanne đã bỏ đi, nhưng phần nào trong cô hiểu được rằng, Megamind thực sự yêu cô.
Giải quyết: Megamind đã đến xin cô trợ giúp đi tìm Metroman. Sau khi biết Metroman cũng vốn là kẻ hành động theo thời thế, cùng với quyết tâm của Megamind đã khiến Roxanne cảm động.
Kết
Megamind đã ra tay cứu thành phố, Roxanne hiểu rằng Megamind vốn không phải người xấu.
Về cơ bản, câu truyện rất dễ theo dõi, các câu chuyện và mối quan hệ được đan xen với nhau khiến cho bộ phim trở nên hấp dẫn , già dặn hơn với các bộ phim hoạt hình siêu anh hùng thông thường khác.
Nhân vật
Một điểm hay của Megamind là cách xây dựng nhân vật. Megamind hiện thân cho villain, nhưng không phải là 1 villain thuần tuý. Xã hội, số phận đã biến megamind thành villain. Bản thân hắn muốn thành villain không phải để phá hoại, giết chóc, mà chỉ đơn giản để khẳng định bản thân, để được chiến đấu với Metroman.
Tuy vậy, khi Megamind quyết định hành động như hero, cách hắn thể hiện cũng vẫn là 1 villain. Ví dụ như cách hắn xuất hiện trước Tightan, liệu có 1 hero nào xuất hiện đầy u ám nhưng vẫn hoành tráng, với điệu cười sảng khoái như vậy không?
Metroman cũng không phải là hero thuần tuý. Bề ngoài anh có vẻ hiện thân 1 người vì xã hội, vì cộng đồng, không màng đến bản thân. Nhưng ở sâu bên trong anh, anh lại chỉ muốn được tận hưởng cuộc sống của một người bình thường, không phải hi sinh cho người khác, không cần sống vì cộng đồng.
Roxanne, nữ chính của phim, cũng không giống như các nữ chính của các phim siêu anh hùng thông thường. Khi xem, tôi ban đầu nghĩ rằng, Roxanne là cô gái sắc sảo, thông minh, nhưng khi biết mình bị lừa thì cô sẽ hận Megamind. Nhưng thực tế, cô đã sớm nhận ra Megamind chỉ là gã ngốc, và cô cũng nhìn thấy bản chất lương thiện của Megamind. Tôi rất thích tuýp nữ chính mạnh mẽ, kiên định, thông minh nhưng không to mồm, la lối. Roxanne là 1 người phụ nữ rất trưởng thành.
Hal cũng vốn không phải gã khờ thuần tuý. Hắn đần độn, hậu đậu nhưng si tình, hám lợi, tầm thường.
Tóm lại, các nhân vật trong Megamind được xây dựng khéo léo, không bị quá đà, không bị thuần tuý – kẻ ác không phải ác hoàn toàn, anh hùng cũng có vô vàn điểm xấu. Đó là 1 trong những sức hút của phim đã làm khá thành công.
Nguồn: Netflix Vietnam Fandom