Có bao giờ bạn thắc mắc sau khi chết, con người ta sẽ đi về đâu? Những vĩ nhân tên tuổi khi thân xác họ về với cát bụi, hồn họ sẽ đến chốn nào? Nơi đó sẽ là địa ngục, hay một thế giới khác? Đến với “Drifters”, ta đến với câu chuyện giả tưởng về một thế giới bên kia, thế giới mà các vĩ nhân sẽ được tái sinh sau cái chết.
- Tác giả: Kouta Hirano
- Studio sản xuất: Hoods Drifters Studio
- Thể loại: Seinen, Lịch sử, Isekai
- Được chuyển thể từ manga cùng tên
- Điểm trên mal: 7.95
Tóm tắt cốt truyện
Drifters là câu chuyện giả tưởng mượn những nhân vật có thật từ lịch sử để làm tài nguyên phát triển cho tác phẩm. Các vĩ nhân sau khi chết, có một số người sẽ được xuyên không đến thế giới fantasy kỳ ảo và trở thành những chìa khoá quan trọng, nắm giữ vận mệnh thế giới đó. Ba nhân vật trung tâm trong tác phẩm là Toyohisa Shimazu, Nobunaga Oda và Yoichi Suketaka Nasu.
Bộ phim mở đầu bằng phân cảnh trên chiến trường, nơi mà Toyohisa đang truy lùng quân địch. Trong quá trình truy lùng ấy, Toyohisa đã bị thương nặng và cuối cùng không vượt qua được. Nhưng sau khi chết, anh lại bị mang đến một nơi xa lạ và gặp gỡ một người đàn ông tên Murasaki. Người đàn ông khả nghi này đã đem đến cho Toyohisa cơ hội tái sinh trong một thế giới khác với bối cảnh và văn hóa hoàn toàn khác biệt so với Nhật Bản, nơi mà anh từng chiến đấu và hi sinh.
Tại đây, Toyo (Toyohisa) đã đụng độ Nobunaga Oda, lãnh chúa nổi tiếng thời Sengoku và Yoichi, một tay bắn cung cự phách đến từ thời kì Genpei War. Cùng nhau, họ chiến đấu chống lại Ends, thế lực siêu nhiên khao khát quét sạch nhân loại, cũng như chinh phục các vùng đất ở thế giới bên kia.
Nhân vật
Bộ phim có tuyến nhân vật rộng lớn cũng như đã làm rất tốt trong việc xây dựng nhân vật. Ở mỗi nhân vật, ta có thể thấy được tính cách và suy nghĩ rất riêng, tạo nên màu sắc cá nhân của từng người. Tuy vậy, vẫn có sự đồng bộ và nhất quán trong việc xây dựng nhân vật, khiến cho các nhân vật dù có background và tính cách khác nhau vẫn có thể mang đến sự liên kết, liền mạch cho cốt truyện.
Toyo: một samurai từng chiến đấu trên chiến trường Sekigahara. Anh là người nói ít làm nhiều, hành động dữ dội và đột ngột. Toyo tuy là một kẻ liều lĩnh nhưng không phải là một tên man rợ lỗ mãng. Trái lại, anh là một người vô cùng tinh tế trong chiến đấu. Sự tinh tế ấy của Toyo được cài cắm trong từng chi tiết nhỏ được thể hiện qua hành động, sự lựa chọn của anh cũng như qua lời bình luận của các nhân vật khác. Có thể xem Toyo như một kiểu main bá, nhưng bá rất thú vị và thu hút. Mỗi lần anh hành địch và làm địch choáng ngộp là mỗi lần khiến khán giả hả hê, thỏa mãn, không hề tạo cảm giác tù túng và nhạt nhẽo như trong các bộ main bá hạng ba. Sở dĩ có điều đó là do mạch phim luôn được duy trì và phát triển tự nhiên, không bị cuốn theo sự bá đạo của main. Ta vẫn có thể thấy Toyo chật vật trong chiến đấu, vẫn thấy được sự hoang mang của các nạn nhân được cứu bởi Toyo, và kết quả sau chiến thắng của Toyo vẫn ẩn chứa sự tang tóc, bất phục.
Nobunaga Oda: là một nhân vật siêu nổi tiếng trong lịch sử, kể cả không phải người Nhật hay wibu cũng từng nghe qua tên tuổi của ông. Ông không chỉ là một lãnh chúa mà còn là chiến thuật gia đại tài. Tuy nhiên, tài trí cộng với quyền lực đi đôi với bất hạnh. Quá thông minh, quá lí trí cộng với quyền lực hơn người khiến Oda năm lần bảy lượt bị phản bội. Điều đó khiến ông dần trở thành một người đa nghi, đến khi chết đi ông còn nghĩ mình đã bị con trai ruột đâm sau lưng. Nhưng điều này vẫn không ngăn được bản năng làm cha của ông khi mà Oda cảm thấy hãnh diện vì con mình ra đi oanh liệt và tiếc nuối vì mình đã nghi ngờ con trai ruột trong những giây phút cuối đời. Dù có quá khứ đau thương nhưng trong phim ông lại khá … hề hước. Các phân cảnh gào thét của ông bằng cách nào đó nó khá giống với kiểu gào thét tấu hài của nhân vật trong shounen.
Yoichi: một tay cung cự phách, đồng thời cũng ngạo mạn và có cái tôi cao. Anh không chấp nhận bất kì một ai có kỹ nghệ cao hơn anh. Tuy nhiên, Yoichi lại sợ hãi, và có thù hận gì đó với Minamoto. Điều này chưa được làm rõ trong phim. Mặc dù nói Yoichi là một trong nhưng nhân vật trung tâm nhưng lại khá mờ nhạt. Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của Yoichi trong các trận chiến nhưng bộ phim dường như quá chú tâm vào Toyo và Nobunaga. Còn những cảnh hành động của Yoichi lại khá chớp nhoáng. Có lẽ để Yoichi tỏa sáng thì phải ở đoạn sau, phần không có trong anime.
Ngoài ba nhân vật trung tâm còn phải kể đến dàn nhân vật phụ vô cùng lớn và góp phần không nhỏ trong việc tạo nên độ hoành tráng cho Drifters.
Bên phe drifter, ta có:
Scipio Africanus và Hannibal Barca: đây là hai nhân vật gắn chặt với nhau như hình với bóng. Song vì chút biến cố mà phải tách nhau ra. Hannibal Barca tuổi đã già, bắt đầu lú lẫn nên thường làm ra các hành động ngớ ngẩn. Trong phim có cài cắm một số chi tiết cho người xem nhận ra ông là một kẻ nguy hiểm, không như những gì mà ông thường thể hiện. Nhưng anime chưa tới đoạn để ông tỏa sáng. Còn Scipio tất cả những gì ta biết trước mắt đó là ông rất khâm phục Hannibal. Còn cụ thể ông làm được gì cho phe drifters thì chưa biết.
Butch Cassidy và The Sundance Kid: hai nhân vật ít tấu hài nhất phim. Đến từ thế giới hiện đại và có súng siêu xịn. Nhờ họ mang súng đến mà phe drifter có thể sản xuất vũ khí nóng, có thể xem như game changer cho toàn cục.
Naoshi Kanno: Cách xuất hiện của nhân vật này rất thú vị. Tuy nhiên, chưa mang đến giá trị cụ thể gì cho phim.
Bộ ba Count Saint – Germi, Alester, Flemi: ba tên này luôn đi chung với nhau, có chung sở thích với nhau và không tạo được mấy thiện cảm cho người xem. Chúng là những tên phản bội khét tiếng, phản bội vì đam mê. Việc tác giả thêm thát kiểu nhân vật phản bội vì đam mê này vào phim là một cách làm thông minh để giải quyết cho câu đố “Làm sao để thâm nhập và tước đoạt thành trì mà không tốn chút sức lực nào?” Nhờ những tên này mà việc khống chế thành trở nên vô cùng dễ dàng. Chúng còn đóng góp lực lượng tinh nhuệ cho phe Drifters. Nhờ vậy, tác giả không phải tốn thêm một mớ giấy mực để nghĩ ra cách hợp lí giúp cho phe Drifters có thể đánh bọn Ends ngay sau khi chinh phục thành trì.
Bên cạnh đó là các nhân vật đến từ Octobrist cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ phe Drifters chống lại Ends. Một số nhân vật nổi bật từ tổ chức này là Abe no Seimei, Olminu. Olminu là một pháp sư, có ngực rất to, hết mực phục tùng Seimei. Seimei thì quá nổi tiếng rồi, âm dương sư nổi tiếng thời Heian. Nhưng hình tượng Seimei trong phim làm mình hết sức thất vọng so với những gì giai thoại của anh ta tạo ra trong suy nghĩ mình. Trong giai thoại, Seimei là pháp sư với tài nghệ hơn người. Nhưng anime không thể hiện được hết tài nghệ của anh ta. Vai trò của Seimei trong phim chủ yếu là làm nền và làm người bình luận cho tài trí của Toyo. Phải chi anime tận dụng giai thoại của Seimei và tập trung xây dựng anh hơn thì tuyến nhân vật sẽ thú vị hơn nhiều.
Phe Ends, phe tập trung của những cá thể đến từ Trái Đất (mình gọi là Trái Đất để chỉ thế giới trước kia của họ) nhưng có sức mạnh phi nhân loại xuất phát từ sự thù hận. Những nhân vật này rất ngầu, có chất riêng nhưng vẫn có điểm chung khiến họ liên kết được với nhau. Đó là nỗi căm ghét, tham vọng quét sạch nhân loại. Tuy nhiên, anime chưa đào sâu vào câu chuyện của họ.
World-building
Đây là phần khiến mình đánh giá khá cao “Drifters”.
Thế giới mà các Drifters xuyên không đến là một thế giới fantasy, nơi có đa chủng loài sinh sống. Ở nửa đầu bộ phim, tác giả chưa lập tức dẫn dắt ngay vào trận chiến với Ends mà dành để đưa ra các thông tin chi tiết về thế giới này. Ở đây, sự phân biệt chủng tộc là thứ bao trùm thế giới, tạo tiền đề cho các Ends thủ tiêu toàn bộ nhân loại. Sự bất bình đẳng diễn ra trong mọi chủng loài: con người chèn ép Elves, các Elves thì lại có tư thù cá nhân với Dwarves… Nhưng lại có một nghịch lý ở đây là Elves đáng lẽ là sinh vật bậc cao hơn người (do họ có tuổi thọ cao, kỹ thuật bắn cung trời sinh) nhưng lại bị con người đẩy đến đường cùng. Điều này được lí giải trong phim là do Elves quyền năng hơn con người, nên bị con người sợ hãi và căm ghét. Do đó nhân loại làm đòn phủ đầu, chèn Elves trước. Nghe cũng … khá hợp lí dù không thuyết phục lắm. Elves bị chèn ép lâu ngày, lại có thêm tác động của Toyo nên … bum… Bọn họ đứng lên lật đổ chính quyền. Ở đây, sự xuất hiện của main cùng những hành động của anh ta gây tác động mạnh mẽ lên thế giới fantasy này, khiến quỹ đạo vận hành của nó chệch hoàn toàn so với ban đầu.
Thế giới trong “Drifters” cũng khá dark. Sự dark được thể hiện trong các phân cảnh các chủng tộc phi nhân loại bị chèn ép đến tuyệt vọng. Ở dưới ách thống trị của loài người, họ không dám vùng lên mà thay vào đó, mâu thuẫn với chủng tộc phi nhân loại khác. Có thể thấy dù là sinh vật cấp thấp hơn nhưng địa vị của loài người cao cấp hơn hẳn. Sự xuất hiện của Toyo góp phần thay đổi điều đó. Nhờ sự tồn tại của anh mà chất dark càng giảm về sau. Tuy vậy, sự tang tóc và tuyệt vọng sau mỗi trận chiến vẫn hiện diện rõ ràng nơi đó.
Đó là còn chưa kể đến sự tồn tại của Black King. Hắn là đầu lĩnh phe Ends, kẻ sẽ gieo rắc kinh hoàng cho nhân loại. Mỗi phân cảnh của hắn đều rất dark, dark từ tông màu cho đến bản chất. Kể cả năng lực của hắn cũng dark nốt (năng lực gây bệnh ung thư). Black King thật sự là một nhân vật hoàn hảo để làm phản diện cuối. Hắn độc ác, hắn nhẫn tâm, hắn cũng có charisma và sự vị tha đúng lúc của người thủ lĩnh. Bên cạnh đó, năng lực gây ung thư của hắn cũng có thể hồi phục được vết thương. Thật đáng sợ phải không khi tất cả các tố chất trên hội tụ vào một nhân vật phản diện. Điều này khiến cho trận chiến cuối cùng đầy hứa hẹn và đáng xem.
Tuy nhiên, bộ phim sẽ không được gắn tag seinen nếu mọi chuyện chỉ đơn giản là phe Drifters chống lại phe Ends. Quay ngược lại về lúc ban đầu, khi mà Toyo xuyên không. Anh không trực tiếp đến ngay thế giới fantasy này sau khi chết mà là sau cuộc gặp gỡ với Murasaki, gã đàn ông kì quái sống trong một không gian trống rỗng. Chính ông đã đem Toyo cũng như những vĩ nhân khác đến thế giới bên kia. Phe Ends cũng tương tự như vậy, nhưng thay vì Murasaki thì Easy là kẻ giật dây. Hoá ra chiến trường bên kia thế giới không hơn gì là một bàn cờ, và những vĩ nhân chỉ như các quân cờ, còn các cư dân nơi đó thì là những con tốt thí của những thực thể quyền năng.
Tuy nhiên, nếu là một thế cờ thật thì có vẻ không cân sức lắm khi phe Ends toàn là cá thể phi nhân loại với sức mạnh siêu nhiên hùng mạnh, còn bên Drifters chỉ là con người bình thường. Thế cục ở đây thực ra không đơn giản như thế. Tiềm năng của hai phe là ngang ngửa nhau nếu cân đo đong đếm tất cả các yếu tố, điều đó khiến chiến trận cân bằng và không xảy ra hiện tượng bị buff vô lý.
Ở phe Ends, ta có các vĩ nhân mang trong mình nỗi hận thù to lớn. Nỗi hận thù đó đã chuyển hoá thành sức mạnh siêu nhiên, giúp họ trở thành sự tồn tại hùng mạnh. Họ đến thế giới này, gieo rắc chiến tranh và cho đó là hành động giành lại sự công bằng cho các sinh vật phi nhân loại ở nơi đây. Có thể xem phe Ends là một tổ chức ác nhân mượn danh công lý và nhân quyền để thực thi cái ác.
Phe Drifters là tập hợp của những con người đến từ các thời đại khác nhau và do đó có thế giới quan khác nhau. Như ở thời đại của Oda, súng ống vẫn còn là vật xa xỉ. Nhưng ở thời đại của Butch, nó là vật dụng thường thấy đến mức tầm thường. Cùng một đồ vật, nhưng dưới góc nhìn của con người đến từ thời đại khác nhau lại được nhìn nhận khác nhau. Như vậy, sức mạnh thật sự của phe Drifters là sự bù đắp thiếu hụt của nhau. Oda là người tài trí và từng trải nhất. Thế nên ông là người đã khám phá ra mấu chốt đó và cũng chính ông liên kết điểm mạnh của các cá thể với nhau. Dưới sự chỉ huy của Oda, một chiến thuật với sự kết hợp thú vị giữa hiện đại và cổ điển, giữa khoa học kỹ thuật và đấu kỹ tinh tế cũng như phép thuật nhiệm màu ra đời, đem thế cục đặt trở lại bàn cân.
Song, dù có mong muốn đánh bại phe Ends hay cứu giúp các sinh vật ở thế giới bên kia, Drifters chưa từng là các thánh nhân. Điều đó được xác thực bằng bản năng chinh phục và khao khát quyền lực của của Oda. Mục đích của Oda từ đầu là cứu giúp cư dân ở đây, sau đó là thống lĩnh họ biến họ trở thành người dân của mình.
Có cốt truyện thú vị, tuyến nhân vật rộng lớn, world-building ổn là vậy nhưng bộ phim vẫn có những điểm trừ. Điển hình như yếu tố hài hước trong bộ phim. Nó xuất hiện khá vô duyên nhưng lại bị lạm dụng với tần suất liên tục. Đang trong giai đoạn bàn chiến lược đắc đíp thì ông Oda lại tấu hài, kéo theo đó là Yoichi và Toyo cũng tham gia theo. Điều này phá mood kinh khủng khi nó chẳng những không đem lại quãng nghỉ cho phim mà còn làm mạch cảm xúc bị chệch. Phải chi tác giả lược bỏ những phân cảnh hài hước này thì bộ phim sẽ đậm chất seinen hơn. Bên cạnh đó, animation của phim làm cũng rất chán. Những cảnh đánh đấm thường (hay đúng hơn là toàn bộ) là cảnh cắt ngang, hoàn toàn không có những góc quay từ xa hay từ trên cao. Nhạc phim cũng chưa làm toát lên được sự tang tóc sau các trận chiến căng thẳng.
Tóm lại, dù “Drifters” có nhiều ưu điểm nhưng những khuyết điểm của nó vẫn là quá lớn. Phải chi tác giả lược bỏ những đoạn hài hước vô duyên không đáng có, studio đầu tư hơn vào animation và nhạc phim thì có thể bộ phim đã trở thành một bộ seinen chuẩn chỉnh. Tuy nhiên, đối với những người xem casual thì “Drifters” vẫn đáng xem và vẫn có giá trị giải trí cũng như giá trị nội dung.