CREEPY (2016)
- Tên Nhật: クリーピー 偽りの隣人, Itsuwari no Rinjin
- Tên tiếng Anh: The Fake Neighbor
- Thể loại: Thriller, kinh dị, tâm lý
- Diễn viên: Nishijima Hidetoshi, Yuko Takeuchi, Teruyuki Kagawa, Haruna Kawaguchi
- Đạo diễn: Kiyoshi Kurosawa
- Phim được chiếu lần đầu tại liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 66
Giới thiệu sơ qua nội dung
Sau khi mắc một sai lầm nghiêm trọng khi thẩm vấn một tên sát nhân, cảnh sát Koichi Takakura (Nishijima Hidetoshi) xin thôi việc và cùng vợ là Yasuko (Yuko Takeuchi) chuyển đến sống ở nơi khác. Yasuko cố gắng làm quen với hàng xóm, một nhà là Tanaka có bà cô khó tính chăm bà mẹ nằm liệt giường, nhà kia là gia đình Nishino, có ông bố (Teruyuki Kagawa) sống cùng một cô con gái.
Takakura chuyển sang làm giảng viên tâm lí tội phạm, nhưng một hôm đồng nghiệp cũ liên hệ nhờ điều tra một vụ án chưa phá được cách đây 6 năm trước. Tất cả mọi người trong gia đình đều mất tích, trừ cô con gái Saki Honda, nhưng trí nhớ của Saki rất mơ hồ. Càng điều tra, Takakura càng phát hiện ra điểm tương đồng giữa hàng xóm nhà Saki và hàng xóm Nishio bên cạnh.
Cảm nhận
*CÓ THỂ CÓ SPOIL VÀI CẢNH, nhưng mình sẽ cố để không spoil quá nhiều cho mấy bạn tò mò muốn tìm hiểu trước.
Đây là phim “đen”. Nhìn chung không khí phim rất ngột ngạt khó chịu, gây căng thẳng và ức chế cho khán giả, nhất là cái kết. Diễn viên toàn người kì cựu nên người nào cũng đóng hay, nhưng mình thấy hai người diễn hay nhất là Teruyuki Kagawa và Nishijima Hidetoshi.
Thực sự cái vai của Teruyuki Kagawa nó bệnh hoạn với biến thái đến phát tởm. Vai của Nishijima Hidetoshi nó cũng tởm và nổi da gà nhưng mà là theo kiểu khác, không phải vì bệnh hoạn và biến thái, nhưng nó gây sợ hãi vì rốt cục, Takakura không phải một con quái vật như Nishio, mà là một con người. Một con người ngạo mạn và vô cảm, như một số (nhiều) con người khác.
Takakura không hề quan tâm đến cảm xúc của vợ hay Saki – nạn nhân của vụ án 6 năm về trước. Thứ anh ta quan tâm chỉ là suy luận của anh ta có đúng hay không, hoặc hung thủ có phải người mà anh ta nghi ngờ hay không. Có lẽ anh ta nghỉ việc chỉ bởi vì vụ đó anh ta phán đoán sai hành dộng của tên sát nhân, và đó là một cú tát vào “lòng tự trọng” của anh ta, chứ không phải bởi vì hối hận và tiếc thương cho mạng người vô tội bị kéo theo kia.
Có hai cảnh làm mình ấn tượng. Một cảnh là khi Saki kể lại cho Takakura về những gì mà cô nhớ ra. Thay vì đồng cảm với mất mát của nạn nhân, Takakura sau khi nghe xong thì chỉ cảm thấy “thật thú vị” và cố ép hỏi cô bé nhớ ra mọi chuyện dù đó là những kí ức vô cùng khủng khiếp.
Cảnh mình ấn tượng thứ hai là cảnh mà vợ của Takakura bị tên biến thái không chế, ngồi ngây ngẩn tái nhợt ra nhà. Rõ ràng Takakura biết vợ mình hay tiếp xúc với Nishino, biết tên này nguy hiểm. Nhưng lúc đó anh ta chỉ nói: “Em ổn chứ? Anh sẽ về ngay.” rồi cứ thế đi mặc kệ Yasuko có biểu hiện bất thường. Bởi vì nếu để ý hơn một chút thì anh ta đã phát hiện ra là vợ mình bị tiêm thuốc. Một phần yếu tố tạo ra bi kịch của hai vợ chồng họ là sự vô tâm của Takakura.
Nói thật là ai cũng thấy Nishino trông ghê vl nhưng hắn vẫn thao túng được những nạn nhân nữ, bởi vì chồng họ hầu như rất ít khi về nhà và không quan tâm đến cảm xúc của vợ, mặc định những điều họ hi sinh cho mình là dĩ nhiên. Những người vợ cảm thấy cô đơn trong ngôi nhà của mình. Mình có thể cảm thấy là Yasuko rất stress khi hàng xóm của họ không thân thiện lắm và lúc nào cũng cố để làm thân. Đơn giản là vì Takakura đi làm cả ngày thì ở nhà làm gì có ai nói chuyện cùng trừ hàng xóm ra đâu.
Ngoài ra thì mình cũng hơi khó chịu mấy ông cảnh sát. Chả hiểu sao đi đến nhà mấy thằng sát nhân thái nhân cách nguy hiểm để điều tra lại cứ phải đi một mình cơ.
Phim để cái kết mở nhưng mình thấy nó nghiêng về Bad Ending nhiều hơn. Không còn biết đâu là thiện, đâu là ác nữa. Nishino là quái vật, nhưng chả phải bản chất ai cũng có một con quái vật trong người hay sao?
Điểm trừ duy nhất của phim là yếu tố phá án khá mờ nhạt ở nửa cuối phim thay cho nửa đầu. Mà thôi tại đằng nào nó cũng là phim thiên về tâm lí.