Review Confession (2010) – Lời thú tội của những đau thương

08/01/2021
Review Confession (2010) - Lời thú tội của những đau thương
384
Views
  • Thể loại: Tâm lí, Kinh dị
  • Nội dung khái quát: Phim lấy trung tâm là bi kịch của cô giáo Yoko Moriguchi khi con gái bị sát hại còn chồng bị nhiễm HIV. Hung thủ gây ra cái chết của con gái cô không ai khác ngoài hai nam sinh trong lớp. Cả bộ phim chính là quá trình trả thù tàn độc của cô cùng những lời thú tội vô cảm của hung thủ.

Không phải tự nhiên mà Confessions [告白 Kokuhaku] trở thành niềm tự hào của người Nhật khi có mặt trong vòng loại Oscar lần thứ 83. Đây không chỉ đơn thuần là bộ phim tâm lí, kinh dị chỉ tập trung gây sợ hãi với những cảnh máu me mà thứ khiến ta sợ ở đây chính là “lòng người”.

Confessions đã khắc hoạ thực tế vấn nạn bạo lực học đường với bối cảnh một lớp học với những con người vô cảm, cợt nhả, hèn nhát. Dù có nghe đến cái chết của một đứa trẻ vô tội, họ vẫn bỏ ngoài tai, lạnh lùng vì cho rằng đó không phải là chuyện của mình cho đến khi biết mình có thể nhiễm HIV mới có chút phản ứng. Những cô cậu mới lớn ấy không chỉ bàng quan trước bi kịch của người khác mà còn thản nhiên gây nên bi kịch cho người khác bằng những trò bắt nạt quái gở của chính mình.

Nguy hiểm hơn họ còn cho mình cái quyền thực thi công lí khi coi sự bắt nạt của mình là “đáng đời” cho hai kẻ sát nhân. Trái ngược với “phe bắt nạt”, trong lớp vẫn có những con người dửng dưng, vô cảm, bàng quan không hẳn vì thương sót cho cái chết của cô bé mà chỉ đơn giản họ “lười” để tâm kể cả cái chết kia hay việc bạn cùng lớp bị bắt nạt. Mà mối đe doạ lớn hơn cả những kẻ đang cười cợt bắt nạt người khác kia lại chính là sự thờ ơ, vô cảm.

Đó cũng chính là thực tế xã hội bây giờ, chỉ cần tay mình không nhúng chàm có nghĩa mình là người tốt…

Review Confession (2010) - Lời thú tội của những đau thương

Sự u tối, nặng nề bao trùm lên xuyên suốt phim Confessions. Mỗi người trong câu chuyện này đều rối loạn về tâm lí dù là nhân vật chính hay phụ. Naoki Shinomura – cậu học sinh với vẻ ngoài kém nổi bật lại nhút nhát, thiếu kĩ năng giao tiếp, luôn núp dưới vỏ bọc làm người khác mất cảnh giác nhưng chính cậu lại làm kẻ sát nhân tàn nhẫn cuối cùng.

Naoki coi cái chết của người khác là công cụ để khẳng định giá trị tồn tại của bản thân. Cậu có một người mẹ luôn hết lòng vì cậu đến nỗi mong được chết cùng nhau để giải thoát hai mẹ con khỏi bi kịch nhưng bà không ngờ chính mình lại trở thành “vật tế” để con mình thoả mãn mong muốn kì dị, kinh tởm.

Bạn thân duy nhất của Naoki hoàn toàn trái ngược với cậu – Shuuya một cậu học sinh khá nổi bật với trí tuệ của mình và có nhiều phát minh khoa học lập dị. Shuuya kết thân với Naoki hay bất cứ ai đều luôn có mục đích duy nhất: mình phải luôn là trung tâm gây chú ý duy nhất. Những phát minh khoa học của cậu không phải xuất phát từ đam mê chân chính, thậm chí cậu còn ghét nó vì khiến mẹ đã bỏ mặc cậu nhưng chính những phát minh đó mới có thể khiến mẹ đến tìm gặp cậu.

Review Confession (2010) - Lời thú tội của những đau thương

Thật ra cậu vẫn chỉ là đứa trẻ non nớt nghĩ rằng chỉ cần mình nổi bật, mình nổi tiếng với sự tài giỏi này thì mẹ sẽ công nhận khả năng của mình. Sự non nớt đó biến thành “liều thuốc độc” khi Shuuya nghĩ đến một mục tiêu nguy hiểm hơn là biến mạng người trở thành công cụ để cậu nổi tiếng khắp nơi.

Và cậu nghĩ rằng sát hại một đứa trẻ sẽ càng khiến cậu được chú ý hơn nữa. Shuuya cũng từng có tình cảm khi gặp Mizuki – một cô nữ sinh nhỏ bé nhưng đã từng ra tay sát hại toàn bộ gia đình bằng thuốc độc. Họ đến với nhau vì cùng hoàn cảnh, vì sự đồng cảm dành cho nhau nhưng khi “sự đồng cảm” ấy có nguy cơ bị lung lay thì tất nhiên một trong hai phải biến mất khỏi cuộc đời nhau. Shuuya có rung động với Mizuki nhưng sự rung động nhỏ nhoi ấy không đủ lớn như tình yêu Mizuki dành cho cậu.

Vì bất đồng, vì ganh ghét với sự chú ý mà Mizuki có được trước kia (dù nguyên do không hề tốt đẹp gì) cậu sẵn sàng xuống tay với cô bé và tiếp tục cho rằng đó là một thành tựu lớn khi có thể cướp đi mạng sống của kẻ đã từng dám đầu độc cả gia đình. Hơn ai hết Shuuya có khát vọng sống mãnh liệt, đúng hơn là tồn tại thật “nổi bật” và vì vậy cậu không quan tâm người cha không có chút tham vọng kia.

Cậu chỉ muốn đứng trước mẹ để bà thấy khả năng của mình và vì vậy gây nên bi kịch không thể cứu vãn khi chính tay cướp đi mạng sống của người mình mong mỏi nhất – mẹ cậu.

Cô giáo Yoko không dùng lời mắng chửi, bạo lực về thể xác nào đối với hung thủ đã sát hại con mình. Cái cô mang đến cho những cô cậu học sinh mới lớn chính là sự “hành hạ về tâm lí”. Đánh vào tâm lí bất an, e sợ, thiếu cảm giác tồn tại của mỗi đối tượng để đưa chúng “vào tròng” mà không tốn mấy sức lực. Cô để chúng đối mặt với đau thương, dục vọng của chính mình để ăn mòn tâm hồn từ bên trong.

Review Confession (2010) - Lời thú tội của những đau thương

Đó là cách trả thù tàn nhẫn, thâm sâu nhất. Dù Yoko có đáng trách vì đã huỷ hoại đi cuộc sống của những đứa trẻ chưa kịp lớn nhưng mình thấy khá hợp lí vì chính sự thờ ơ đến ngu ngốc của chúng đã cướp đi hi vọng sống nhỏ nhoi trên đời này của Yoko. Naoki hay Shuuya đều phải trả giá cho tội lỗi mà mình gây nên, cho sự vô cảm trước tiếng cầu cứu của bé gái mà hai cậu đã sát hại.

Về nội dung thì không cần bàn gì nhiều mình thấy rất chặt chẽ cho một bộ phim tâm lí kinh dị học đường, plot twist cũng vừa đủ, gây bất ngờ cho người xem. Mỗi nhân vật đều có một vai trò riêng đối với sự củng cố tâm lí nhân vật khác. Confessions cho chúng ta thời gian để nhìn lại chính mình trong cuộc sống, đôi lúc cũng tuyệt vọng và thờ ơ như vậy.

Confessions cũng là lời cảnh tỉnh cho những người trẻ vốn quen sống nhanh, sống lướt, cũng là bài học cho những bậc phụ huynh cần quan tâm đến cảm xúc của con mình. Giáo dục không chỉ đến từ cổ vũ, lời nói mà còn là sự để tâm, tìm hiểu kĩ lưỡng thứ mà những đứa trẻ cần là gì.

Article Tags:
Article Categories:
Review phim · Phim ảnh

Comments are closed.