Review anime NANA (2006): Mùa hè năm đó, khi chúng ta còn bên nhau

04/03/2021
Review anime NANA (2006)
547
Views

Tôi biết đến NANA thông qua “Top 50 anime hay nhất 2000-2015” của Toptenhazy vào năm 2018. Tôi vẫn luôn tìm đọc những bài review, phân tích, những bài viết liên quan đến NANA cũng như xem rating trên các trang lớn. Qua những điều đó, tôi thực sự biết rằng NANA là một tác phẩm xuất sắc. Ấy vậy mà gần 3 năm biết tới mà tôi không dám xem NANA, bởi tôi biết, nếu xem, NANA chắc chắn sẽ để lại cho tôi những nỗi buồn khó tả. Để rồi cuối cùng vào ngày 15/2/2021, tôi đã xem xong 47 tập phim của NANA.

Câu chuyện kể về Nana Komatsu (Hachi) một cô gái tỉnh lẻ đáp chuyến tàu lên Tokyo để được gặp bạn trai mình Shouji. Trong chuyến đi đó cô đã tình cờ gỡ và ngồi bên cạnh Nana Osaki, một cô gái tới Tokyo để thực hiện ước mơ trở thành ca sĩ nổi tiếng. Sau đó họ lại gặp nhau và cùng sống chung trong một căn hộ. Hai con người, hai số phận, một cái tên tình cờ gặp nhau trên chuyến tàu đến Tokyo, tình cờ trở thành bạn bè và gắn bó với nhau. Câu chuyện của họ được bắt đầu như vậy đấy.

NANA sử dụng lối dẫn chuyện hồi kỳ dưới góc nhìn của hai nhật vật chính Nana và Hachi được dẫn dắt bằng những dòng độc thoại nội tâm. Anime còn giành chỗ cho những khoảng lặng để người xem đắm chìm vào đó cũng như kết nối cảm xúc giữa nhân vật với người xem.

Đọc qua vài dòng tóm tắt bên trên, có thể nói NANA sở hữu một cốt truyện không phải là mới mẻ gì. Cũng là nhân vật nữ từ quê lên thành phố, cũng là mối tình tay ba với người mình luôn ái mộ, cũng là hai con người với hai số phận gặp được nhau. Nhưng bộ phim không hề bị rập khuôn mà để lại cho mình những nét riêng khó lẫn.

Review anime NANA (2006)

Có thể chia câu chuyện của NANA làm hai phần, nửa trước của phim tập trung vào nhân vật Komatsu Nana, và nửa sau xoáy sâu vào nhân vật Osaki Nana. Bộ phim luôn luôn đan xen song hành hai yếu tố đó là tình cảm và sự nghiệp của các nhân vật. Dẫu là một anime Slice of Life, nhưng mạch truyện của NANA vẫn rất lối cuốn và đầy bất bất ngờ. Anime luôn níu kéo người xem hết tập này đến tập khác, bởi vì ta khó có thể đoán trước số phận của nhân vật trong tương lai vô định sẽ như thế nào.

NANA có nhịp phim chậm rãi, diễn biến mạch lạc, và không có nhiều tình tiết hư cấu. Một điều tôi thực sự đánh giá rất cao của ở NANA đó là nó đã phác họa nên một thế giới đầy khó khăn và biến động như thế giới thực. Bộ phim không phải là câu chuyện tình cảm hường phấn, mà đan xen vào đó là những cơn bão tố chực chờ cuốn những nhân vật trôi vào vòng xoáy mang tên cuộc đời.

NANA có những khoảnh khác tươi đẹp, tràn ngập phút giây hạnh phúc tuyệt vời mà tình yêu, tình bạn đem đến. Nhưng cũng chả thiếu những phút giây thăng trầm, những nỗi đau chẳng thể nào xoa dịu của thứ cảm xúc mang tên “tình yêu” mang lại cho các nhân vật. Những khoảnh khắc đó đủ thật để khiến người xem bật khóc và gieo vào lòng chúng ta một nõi buồn khó lòng bày tỏ.

Ở thế giới đó, tồn tại rất nhiều mối tình đơn phương không được đáp lại, và không phải mối tình nào cũng có thể vượt qua được sóng gió để có được kết thúc trọn vẹn. Có lẽ, NANA là một thế giới mà hạnh phúc của con người luôn là dự báo cho những buồn đau trong tương lai.

NANA còn làm tôi ấn tượng khi diễn tả những khó khăn của người nổi tiếng khi phải cố giữ mình trước bọn “ruồi muỗi” vẫn lăm le soi mói đời tư của họ. Khi chuyện tình cảm giữa Nana và Ren bị bọn báo chí bốc phốt rồi đồn thổi làm tôi nhớ tới không ít vụ việc đã và đang diễn ra hiện nay.

Điểm làm nên sự thành công của NANA chính là dàn nhân vật. Bộ phim thành công trong việc xây dựng tính cách, câu chuyện về cuộc đời hay hoài bão của từng nhân vật. Nhưng thành công nhất vẫn là đi sâu vào diễn biến tâm lý cũng như mối quan hệ phức tạp của các nhân vật. Mà đặc biệt là những mối quan hệ phức tạp giữa hai ban nhạc BLAST và Trapnest.

Review anime NANA (2006)

Bên cạnh đó, cảm xúc của từng nhân vật được khai thác rất hiệu quả, đến mức bạn có thể nhập tâm và đồng cảm với họ hay nhìn thấy chính mình trong đó. Đầu tiên, NANA đã xây dựng rất tốt hai nhân vật Nana và Hachi.

Komatsu Nana hay Hachi là một cô gái 20 tuổi, lần đầu rời quê lên Tokyo bởi vì bạn trai của cô đang học tập và sinh sống ở đó. Hachi là một cô gái hiền lành, mơ mộng, hướng ngoại và nấu ăn ngon. Nhưng đồng thời cũng là một cô gái thiếu tự lập, thiếu quyết đoán, không giỏi giang, dễ có mới nới cũ, và hơi ngốc nghếch. Đầu óc của Hachi rất đơn giản, lại nhẹ dạ, dễ khóc, dễ bị tổn thường nhưng lại rất dễ phải lòng người khác. Chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi lên Tokyo mà Hachi đã yêu hẳn 3 thằng.

Trái ngược hoàn toàn với Hachi, Osaki Nana là một cô gái xinh đẹp, mạnh mẽ, hướng nội, mê ca hát và có cái tôi cao, nhưng cũng cực kì chân thành. Quá khứ thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ khiến cuộc đời cô tha hóa theo chiều hướng tiêu cực. Không biết cô sẽ ra sao nếu không có Nobu và Ren ở bên. Khác với thói yêu đương đại trà của Hachi, Nana rất chung thủy, suốt 4 năm chỉ yêu một mình Ren, thậm chí khi Ren đi Tokyo và cả 2 không liên lạc với nhau 2 năm mà tình yêu ấy vấn không thay đổi.

Anime đã xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa hai nhân vật này một cách tuyệt vời. Đó là một mối quan hệ trải qua đủ mọi loại cảm xúc. Họ từ hai người xa lạ gặp nhau rồi sống chung trong một căn nhà, trải qua nhiều đắng cay ngọt bùi họ trở thành hai người bạn vô cùng thân thiết sẻ chia với nhau những niềm vui và đau khổ.

Nhưng rồi từ hai người bạn thân thiết, họ lại trở nên xa cách khó nhìn mặt nhau. Dẫu cuối cùng họ cũng nhìn mặt nhau, trao cho nhau những lời hỏi thăm nhưng có lẽ họ sẽ chẳng còn thân thiết được như xưa.

Bên cạnh hai nhân vật chính là những nhân vật phụ được xây dựng rất tốt như:

Nobu, vốn là bạn cùng lớp của Nana. Cũng giống với Hachi, Nobu là một con người đơn giản. Cậu ta là thành viên của BLAST và cũng là người đã dẫn lối để Nana gặp được Ren. Cậu ta yêu ban nhạc BLAST cũng như có tình cảm sâu đậm cho âm nhạc, đến độ từ bỏ cả gia sản gồm cả chuỗi khách sạn để lên Tokyo. Nobu dưới con mắt của tôi, là một người chưa đủ mạnh mẽ.

Cậu ta yêu Hachi, chần chừ mãi mới dám tỏ tình, rồi khi biết Hachi có con lại không đủ can đảm để đối mặt và giải quyết triệt để. Cậu ta cứ nhùng nhằng mãi, như những gì Nana nói, Nobu cứ thích làm anh hùng. Mỗi khi cô gái nào gặp khó khăn thì lại ra tay giúp dù chả liên quan gì, để rồi khi tình yêu lấn sâu thì cậu lại tự rút lui trước. “Yêu như vậy thì nhàn quá”.

Takumi, là thành viên của ban nhạc Trapnest và là một tay bad boys chính hiệu. Anh ta yêu Hachi, một cách thật lòng, bởi nếu không thì Takumi đã chẳng cưới Hachi khi ngoài kia có biết bao cô gái xinh đẹp và tài giỏi hơn. Takumi cũng vô cùng quyết đoán và có trách nhiệm. “Hachi có thai rồi, không biết là của tôi hay của cậu, nhưng tôi sẽ là người bảo trợ cho đứa bé”. Khác hẳn với Nobu, Takumi nhìn nhận vấn đề và đưa ra phương án giải quyết rất nhanh.

Tuy vậy, Takumi lại có một loại tình cảm đặc biệt với Reina, dẫu cho anh luôn bảo rằng xem Reina như em gái. Và càng về sau, ta lại thấy Takumi không còn giữ được sự quyết đoán của mình như trước.

Yasushi hay Yasu cũng là một thành viên và cũng là đầu tàu chèo lái ban nhạc BLAST. Yasu hiện lên trong đôi mắt tôi là một người đàn ông ngầu lòi, bản lĩnh, mẫu mực, nghiêm chỉnh, quyết đoán, luôn bình tĩnh giải quyết mọi việc. Yasu đã luôn ở bên chăm sóc và giúp đỡ Nana mỗi khi cô cần.

Review anime NANA (2006)

Như khi Nana biết tin Hachi có thai, dù Ren là người yêu cô nhưng thay vì chạy tới chỗ Ren thì Nana lại chạy tới chỗ Yasu để mà khóc. Yasu yêu Nana, điều này có thể chắc chắn, nhưng anh luôn giữ điều đó trong lòng, bởi đơn giản Nana là người phụ nữ của Ren. Kể cả khi Nana hỏi “ngủ với tớ không?” thì Yasu vẫn từ chối, đừng nghĩ anh ta ngốc, là bởi anh ta quá tuyệt vời thôi.

Hình ảnh của Nana tương đối tốt, art có vẻ bám sát nguyên tác. Cá nhân tôi thấy 2006 như vậy là rất đẹp rồi, chưa kể artstyle có nét rất riêng khó lẫn. Đồ họa của Nana đẹp và khá chi tiết. Animation có lẽ không phải là điểm cộng, cử động bình thường chứ chưa phải là mượt, tuy không quá tệ nhưng cũng chưa đủ tốt. Tuy nhiên có thể bỏ qua vì Nana cũng chả có cảnh hành đồng gì. Biểu cảm nhân vật tốt, đặc biệt là những đoạn khóc, buồn,… biểu cảm được thể hiện rất hay.

Tuy nhiên đôi khi cũng có vài cảnh hơi ngáo, nhìn thiếu tự nhiên. Bao trùm lên phim là một tông màu nhạt, thường thấy trong các tác phẩm shoujo. Quay phim cũng tương đối tốt, nhiều cảnh phim được thực hiện khá ấn tượng như: đoạn Shouji và Sachiko ôm nhau ngoài cửa sổ (quên mất là tập mấy rồi), phút 18:30 trong tập 22, tập 16 phút 10:38, đoạn 16:45 tập 31, tập 34 phút 5:04, tập 47 phút 12:35,…

Với 47 tập, NANA có cho mình 3 bản op và 3 bản ed. Cá nhân tôi thì thích nhất là op 1 (Rose), đây đông thời cũng là bài hát đầu tiên mà team BLAST biểu diễn ở Tokyo. Và ed 2, một bài hát với giai điệu chậm cùng giọng hát da diết gợi lên nhiều cảm xúc. Dàn soundtrack của phim khá nhiều với 14 bản nhạc có lời và hơn 40 bản không lời. Nói đến 14 bản có lời thì có những bài rất hay như A little Pain (Reina), Wish (Reina), Starless Night (đồng thời cũng là ed 2), Kuroi Namida (Nana),…

Nhạc không lời của phim được sử dụng rất hiệu quả và đáng nhớ. Nhớ nhất là những bản nhạc buồn lồng ghép vào những cảnh đau lòng (như khi Takumi gọi điện để nói với Nobu là Hachi có thai). Có những khi âm nhạc đã đẩy nỗi đau khổ của tình yêu lên đến đỉnh điểm. Bên cạnh đó, tôi cũng đánh giá cao việc lồng tiếng, rất hợp với tính cách nhân vật, đặc biệt là bộc lộ xuất sắc những cảm xúc trong những khoảnh khắc giận giữ, vui mừng hay tuyệt vọng.

Nana không chỉ là tác phẩm nổi tiếng nhất của Ai Yazawa mà còn được nhắc đến như một trong những kiệt tác rực rỡ của thể loại shoujo (mặc dù nó gắn tag josei?). Đan xen giữa chuyện tình cảm phức tạp, giữa những vật lộn trong đời sống giới trẻ hiện đại, giữa sự phản bội và nuối tiếc là tình bạn mơ hồ nhưng sâu sắc của các nhân vật.

Giống như một tách cà phê, vừa ngọt ngào, vừa cay đắng, Nana thực sự là bản tuyên ngôn của thế hệ trẻ đầy hoài bão về cuộc sống. Với lối kể chuyện chân thật đầy tính thực tế và âm nhạc hoàn hảo, Nana đã chạm vào sâu thẳm cảm xúc trái tim người xem.

Xin cảm ơn tác giả Ai Yazawa vì đã viết nên một tuyệt tác như thế. Và cũng xin cảm ơn studio Mahouse khi đã chuyển thể nó lên màn ảnh. Tôi sẽ không bao giờ quên cái đêm Hachi biết mình bị Shouji phản bội, cái đêm mà Nana dắt Hachi vừa đi vừa khóc về lại căn phòng 707. Cái đêm mà Nana và Hachi ôm nhau ngủ trong căn phòng ngập tràn hồi ức ấy. “Nếu ngày đó không có Nana ở bên, có lẽ tôi đã nhảy xuống sông tự vẫn”.

Đánh giá cá nhân: 9/10

Mùa hè năm đó, mùa hè chúng ta còn bên nhau, một mùa hè chẳng bao giờ quay trở lại.

Nguồn: Akeno’s Anime Academy

Article Tags:
Article Categories:
Review Anime - Manga

Comments are closed.