Nội dung: Đầu mùa hè năm 1966, do công việc của ba, cậu học sinh trung học năm nhất Kaoru Nishimi đã một mình chuyển tới Sasebo để sống với người họ hàng. Tại đây cậu đã làm quen với Ritsuko và Sentarou, những người bạn mới đầy năng động và yêu âm nhạc. Tình yêu giành cho nhạc jazz đã đưa những con người hoàn toàn xa lạ thành những người bạn thân thiết.
Tuổi học trò có lẽ là quãng thời gian đẹp nhất của đời người, cũng vì thế mà những tác phẩm về đề tài này thường đem đến cho người đọc, người xem rất nhiều cảm xúc. Lấy bối cảnh năm 1966, Kids on the slope mang đến những cảm xúc hoài niệm khi đưa người xem quay trở về những năm 60 của thế kỉ trước. Cốt truyện của Kids on the Slope cũng đơn giản, đó là câu chuyện về tuổi mới lớn của ba người bạn thân, được kết nối với nhau bởi niểm đam mê mãnh liệt với nhạc jazz.
Bộ phim xoáy sâu vào tình bạn của các nhân vật. Họ gặp nhau và cùng nhau xây dựng nên một tình bạn gắn bó với nhau. Tình bạn giữa họ ngày càng sâu sắc hơn với sự tin tưởng theo dòng mạch truyện. Những cô cậu này học cách yêu thương, buông bỏ, thấu hiểu và quan trọng nhất là thể hiện con người thật của mình không chỉ qua âm nhạc mà cả bằng lời nói và hành động.
Không chỉ nói về tình bạn, Kids on the Slope còn đan xen vào đó là câu chuyện tình cảm nắng của những cô cậu hãy còn ngây ngô. Cái cảnh Sentaro lần đầu gặp Yurika ở bờ biển dưới bóng chiều tà. Mái tóc chị cứ thướt tha trong gió, môi cười mỉm với cậu thanh niên còn chưa biết yêu là gì.
Còn với cậu, đó như phút giây hạnh phúc nhất đời vậy, qua đến tuần sau cũng đứng ngồi không yên. Nhưng cuối cùng chị lại bỏ trốn cùng với người anh trai kết nghĩa với cậu từ hồi bé. Mối tình đầu của Sentaro cứ thế mà tan biến, vì chuyện tình cảm thì nào có biết trước được.
Như một câu nói trong phim mà mình rất thích: ”Bạn không thể bước từng bước vào tình yêu. Đơn giản là bạn bị ngã vào nó!”. Các nhân vật chỉ vô tình gặp nhau, rồi yêu nhau mà chẳng kịp nhận ra. Thế nhưng tình cảm đó cũng đủ đậm sâu khiến cho họ có thể làm mọi thứ vì người mình yêu.
Tình yêu và tình bạn của anime được đan xen một cách tinh tế với những bản nhạc jazz như một lời ẩn dụ rằng những mối quan hệ đó cũng nhộn nhịp và đầy bất ngờ. Kids on the Slope được lấp đầy bởi sự ngọt ngào của tuổi trẻ và bồi đắp vào đó là vị đắng mà cuộc đời mang lại.
Kids on the Slope đã thành công trong việc truyền tải được bầu không khí học đường trọn vẹn một cách chân thực và giàu cảm xúc. Sẽ có người bảo phim có nội dung theo motif cũ cùng nhân vật không mới, câu chuyện toàn yêu đương, nhưng cũng chẳng có gì sai. Bởi chẳng phải đó là những nét đặc trưng của tuổi trẻ sao? Cái thời bồng bột hoang dại, suốt ngày phá làng hàng xóm nhưng rồi về già sẽ thấy đó là “những năm tháng không thể nào quên”.
Kisd on the Slope đã làm tốt phần nhân vật. Mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách đã tạo nên những sự tương tác thú vị và đáng nhớ. Mối quan hệ, sự liên kết giữa các nhân vật được phát triển gọn gàng và vô cùng tự nhiên với cầu nối chính là âm nhạc. Giữa họ cũng có những sự xung đột, những lần cãi vã, những lần hiểu lầm nhau hay giận nhau. Nhưng cuối cùng họ cũng thấu hiểu và làm lành với nhau. Bởi giữa họ có sự tôn trọng và sự tin tưởng giành cho nhau.
Cứ qua mỗi tập phim, người xem lại hiểu thêm nhiều điều về mỗi nhân vật. Đằng sau một cậu Ấm đẹp trai, học giỏi là một cậu bé cô đơn, thiếu thốn tình thương gia đình. Đằng sau một Sentaro vui vẻ, hạnh phúc với gia đình thực ra là một đứa con lai bị bỏ rơi. Đằng sau một Seiji luôn vui vẻ, yêu đời, giỏi nịnh hót là một cậu bé nghèo khó với ước mơ trở thành ca sĩ để giúp đỡ gia đình…
Ngay cả những nhân vật phụ cũng đóng những vai trò quan trọng trong tác phẩm. Không có nhân vật nào là thừa thãi cả, và mình gần như chẳng ghét được nhân vật nào. Mới đầu có chút không thích Seiji vì cái kiểu nịnh hót, nhưng khi biết được ước mơ của cậu ta thì mình thấy rất ngưỡng mộ cậu ta.
Hình ảnh cũng là một điểm cộng lớn cho Kids on the Slope. Đồ họa đẹp và chi tiết mà thấy rõ nhất là các nhạc cụ, trông thật vô cùng. Art tương đối đẹp, thiết kế nhân vật ưa nhìn, chuyển động mượt mà, đường nét rõ ràng, biểu cảm vô cùng tự nhiên và chân thực.
Phần hoạt họa được thực hiện rất công phu. Mình ấn tượng nhất là những phân cảnh Sentaro chơi trống. Từ động tác, điệu bộ, tư thế cho tới sự linh hoạt và di chuyển của cánh tay lúc đánh trống, cứ như đang xem người thật biểu diễn. Các cảnh quay cũng được bố trí tốt và hiệu quả. Tông màu của phim sáng một cách vừa phải làm nổi bật được bối cảnh thế kỷ trước. Màu sắc tương ứng được cân bằng rất tốt và chính xác, ánh sáng được dung để bổ sung cho màu sắc một cách hoàn hảo.
Âm nhạc được thực hiện rất tốt (Yoko Kanno làm mà). OP là bài Sakamichi no Melody, một bài hát hay với giai khá sôi động được tô điểm bởi nhạc nền đến từ đàn ghita, piano, trống và cả kèn. Chất giọng đặc trưng của YUKI làm mình nhớ lại OP của Honey & Clover. Ed là bài Altair với giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng. Âm nhạc làm nên sức hút của anime này là nhạc jazz, với những bản jazz của John Coltrane hay Bill Evans. OST của anime này không nhiều lắm, chỉ khoảng 25 bản thôi nhưng được sử dụng rất phù hợp và hiệu quả.
Giống như một cuốn nhật kí, Kids on the slope ghi lại những tháng ngày của tuổi trẻ với những kí ức xen lẫn cả ngọt ngào và đắng cay. Không phô trương mà vẫn gợi nhiều cảm hứng, Kids on the Slope mang mác sự hoài cổ và xây dựng nên những mối quan hệ bạn bè, tình yêu và những giá trị đẹp đáng trân trọng trong cuộc sống cộng hưởng trong nhịp đập của âm nhạc. Tất cả sống động, tinh khôi và ngập tràn không khí tự do, phóng khoáng.
Đánh giá cá nhân: 8.5/10
Nguồn: Akeno’s Anime Academy