“Tây Du Ký 1986” có thể được xem là bộ phim gắn liền với tuổi thơ của khá nhiều người. Qua mỗi năm nghỉ hè TV đều phát, xem đi xem lại nhiều khi muốn thuộc làu luôn, hồi nhỏ xem Tây Du Ký thích nhất Tôn Ngộ Không, giờ lớn lên vẫn cứ thích Tôn Ngộ Không, qua nhiều năm thì mình hiểu ra nhiều thứ thú vị sau đây:
1. Trong 3 đệ tử thì Tôn Ngộ Không giỏi nhất, nên lúc nào cũng phải đứng ra gánh vác mọi chuyện, đánh yêu quái, xử lý những rắc rối, như trong xã hội thằng nào giỏi thì thằng đó khổ, như trong gia đình đứa con nào giỏi nhất, chịu thương chịu khó nhất thì phải đứng ra gánh vác.
2. Bốn thầy trò Đường Tăng có thể thấy ra thế này: Đường Tam Tạng làm sếp, cứ việc ngồi yên đó chẳng cần đụng tay đụng chân làm gì, hễ có việc là kêu một tiếng “Ngộ Không” là xong! Tôn Ngộ Không, nhân viên giỏi nhất, thẳng thắn không xu nịnh ai; Trư Bát Giới chỉ biết ăn biết ngủ, hay làm hỏng chuyện lại miệng lưỡi xu nịnh; Sa Tăng thì không có chính kiến lắm, hơi ba phải. Và mỗi lần có chuyện xảy ra, Tôn Ngộ Không lúc nào cũng phải đứng ra lo liệu, nhưng Đường Tam Tạng phần lớn hay trách cứ Tôn Ngộ Không, lại thích nghe những lời ‘mát lòng’ của Trư Bát Giới hơn. Cũng giống như trong xã hội, thằng nào xu nịnh luôn dễ được lòng sếp.
3. Người ta nói, không ai ngã một chỗ tới hai lần. Nhưng Đường Tam Tạng luôn lặp đi lặp lại sai lầm đó là không bao giờ chịu nghe lời Tôn Ngộ Không để rồi rước họa vào thân. Cứ cho lúc đầu Đường Tam Tạng không thể phân biệt yêu quái, lòng thương người giúp đỡ, rồi sau đó rơi vào tay yêu quái thế thì những lần sau phải biết rút kinh nghiệm. Như vụ ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, Đường Tam Tạng trách oan Tôn Ngộ Không, ấy vậy về sau giữa đường hễ thấy cô gái nhà lành nào cũng đều cũng muốn cứu, và yes, lại rơi vào tay yêu quái. Cái này phải nói, nếu không xây dựng Đường Tam Tạng như vậy thì đã không có phim để xem. Có thể nói, 81 kiếp nạn trên đường thỉnh Kinh phần lớn đều do Đường Tam Tạng mà ra.
4. Những yêu quái trên đường đi hại thầy trò Đường Tăng đều không phải yêu quái tu luyện dưới trần gian mà chủ yếu là con vật nuôi hoặc con cái nuôi gì đó của mấy ông thần bà thánh ở trên thiên đình. Hết Ngọc Thố của Hằng Nga, đến con gái nuôi Kim Thử (chuột vàng) của Lý Tịnh, rồi con vật cưỡi của Di Lặc hoặc của ông thần ông thánh gì gì đó, kiểu như toàn con ông cháu cha đi gây hại và sau đó thu phục xong lại kéo nhau về “xử lý nội bộ”. Cũng như trong xã hội, những kẻ quyền thế hay con nhà mặt phố bố làm to đều thích đi gây chuyện, rồi dùng thế lực gia đình ém nhẹm.
5. Chắc ai cũng nhớ Tôn Ngộ Không từng đại náo Thiên Cung? Vì sao hắn làm thế, đâu phải hắn nông nỗi càn quấy mà do chính Thiên Đình nói xạo, cho hắn chức quan thấp bé đã thế còn khinh thường mỉa mai nên Tôn Ngộ Không tức quá mới đại náo một phen. Nhưng cuối cùng thì sao, Thiên Đình nói Tôn Ngộ Không làm bậy làm bừa làm càn nên phải sai thiên binh thiên tướng đi thu phục, kết cục hắn phải thua dưới tay Phật Tổ, bị giam 500 năm ở Ngũ Hành Sơn. Sự đời nhiều khi cũng thế, lỗi không hẳn do bạn nhưng thế lực người đông, xoay tới xoay lui đổi trắng thay đen sau cùng tất cả lỗi đều chỉ thuộc về bạn.
6. Có một chi tiết cực kỳ thú vị ở tập cuối: Khi bốn thầy trò Đường Tăng đến Tây Thiên lấy chân kinh thì lại bị hai đồ đệ Phật Tổ “đòi quà” mà không được nên liền tráo kinh thư không có chữ, Tôn Ngộ Không giận dữ mới quay về tìm Phật Tổ kể tội hai đồ đệ kia. Nhưng Phật Tổ không trách tội mà ngược lại bảo hai đồ đệ đó làm vậy không phải sai trái gì. Mình không nhớ rõ từng lời, nôm na như kiểu Kinh Phật không dễ lấy, muốn lấy thì cũng cần đưa “phí”. Phí ở đây không nhất thiết là tiền bạc mà có thể dùng vật quý giá khác để đổi. Tôn Ngộ Không mới hỏi Phật Tổ khởi xướng hối lộ à. Một chi tiết thâm thúy cài cắm trong phim mà lại phản ảnh chân thực xã hội con người về nạn hối lộ.
7. Tôn Ngộ Không thật ra là một nhân vật có tình có nghĩa, nhớ năm xưa hắn tìm Bồ Đề Tổ Sư học đạo, học xong 72 phép thần thông thì Tổ Sư đuổi hắn đi, hắn quỳ lạy dưới bậc tam cấp, nói rằng ơn dạy dỗ của sư phụ không biết sao đền đáp. Rồi đến Đường Tam Tạng giúp Tôn Ngộ Không thoát khỏi Ngũ Hành Sơn, hắn theo chân Tam Tạng đi thỉnh Kinh gian nan vất vả không hề oán than, cứu hắn 1 lần hắn nhớ cả đời! Đoạn ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, Tôn Ngộ Không bị nệm Kim Cô chú mà vẫn đánh chết yêu quái, bị Đường Tam Tạng đuổi đi, hắn về lại Hoa Quả Sơn nhưng lòng vẫn hướng về đường Tây Thiên. “Sư phụ có thể gặp nạn ở bất cứ đâu, nói mau, sư phụ có phải là gặp nạn rồi không?”, là lời Ngộ Không hỏi Bát Giới. Chưa kể đám khỉ ở Hoa Quả Sơn, Tôn Ngộ Không cũng hết mực yêu quý bảo vệ.
Tôn Ngộ Không là nhân vật mà qua bao nhiêu năm, từ nhỏ cho đến lúc lớn, mình vẫn thấy thích. Dám nghĩ dám làm, cao ngạo giỏi giang thông minh, tâm hồn trẻ con hồn nhiên nhưng lại trượng nghĩa trọng tình, luôn biết rõ mục đích của mình là gì và sẽ đi về đâu, khát khao đạt được điều mình mong muốn và chiến thắng. Còn bạn, thích Tây Du Ký ở điểm gì?