Liệu Oscar có quá tầm phim Việt?

05/12/2020
Liệu Oscar có quá tầm phim Việt?
164
Views

Năm 2020, ‘Parasite’ – tác phẩm để đời của đạo diễn Bong Joon Ho đại thắng Oscar lần thứ 92 với 4 tượng vàng cùng hàng chục đề cử lớn nhỏ, một thành tích vô tiền khoáng hậu mà chưa có bất kỳ bộ phim Châu Á nào làm được. Thế giới không hết lời ca ngợi, người Hàn Quốc thì nở mày nở mặt, thậm chí người Việt – những người đứng ngoài cuộc chơi cũng cảm thấy rất hào hứng trước chiến thắng của ‘Parasite’.

Brody parasite

Nhưng nếu như nền điện ảnh nước bạn đang bay cao tại Oscar hay xa hơn nữa là tại Hollywood thì nền điện ảnh Việt ở đâu giữa cái thành công vang dội đó, một nền điện ảnh vốn dĩ hoàn toàn có thể mang câu chuyện của chính đất nước mình ra với toàn thế giới như Hàn Quốc, Iran, Nhật Bản đã làm mà giờ đây chỉ biết ngậm ngùi nhìn họ chinh phục điện ảnh thế giới.

Và chúng ta – những người yêu môn nghệ thuật thứ 7 lại có dịp đặt ra câu hỏi rằng: “Khi nào thì Việt Nam mới có một ‘Parasite’ cho riêng mình?”. Đây có lẽ là “Câu hỏi lớn. Không lời đáp”. (thơ Huy Cận)

Quả thực, Oscar quá tầm với Việt Nam. Nhưng không có nghĩa Việt Nam chưa một lần ghi dấu ấn tại giải thưởng danh giá này. Trong lịch sử, chúng ta từng có ‘Mùi đu đủ xanh’ của Trần Anh Hùng, bộ phim Việt đầu tiên và duy nhất tới hiện nay lọt top 5 đề cử cuối cùng cho Phim Nói Tiếng Nước Ngoài xuất sắc nhất tại Oscar 1994. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận ‘Mùi đu đủ xanh’ tuy là câu chuyện về Việt Nam, với những diễn viên Việt Nam, nói tiếng Việt, nhưng lại được sản xuất bởi Pháp, quay hoàn toàn ở Pháp.

Dù vậy, cũng không thể không phủ nhận sự thành công mà tác phẩm của Trần Anh Hùng đạt được đã góp phần không nhỏ trong việc thôi thúc những nhà làm phim Việt dám bước chân ra khỏi vùng an toàn và đưa điện ảnh nước nhà lên nấc thang mới.

‘Bi, đừng sợ!’ chiến thắng nhiều giải thưởng tại các LHP lớn như LHP Cannes, LHP Quốc tế Busan. Người vợ ba đoạt giải Phim Châu Á hay nhất của LHP Toronto. Hay gần đây nhất là Ròm với giải thưởng New Currents của LHP Quốc tế Busan lần thứ 24.

Ròm

Có thể nói ngoài ‘Mùi đu đủ xanh’ điện ảnh Việt khoảng 10 năm trở lại đây, đã và đang có rất nhiều những tác phẩm vô cùng chất lượng ngang tầm thế giới. Nhưng con số này nếu so với các nền điện ảnh phát triển của Châu Á thì còn là quá ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn nữa, đây hầu hết là một số thành công đơn lẻ do các nhà làm phim độc lập gặt hái được chứ chưa đến từ một bộ máy tổ chức hoàn chỉnh.

Vậy đâu là lý do khiến điện ảnh Việt dường như bị hụt hơi khi bước chân ra các LHP quốc tế và điển hình là Oscar?

Do cơ chế trói buộc

Trước đây phim Việt Nam bị tụt hậu so với thế giới về mặt công nghệ. Thế nhưng trong thời gian gần đây, các nhà làm phim ngày càng tiến bộ với việc học hỏi từ nước ngoài, cho nên rào cản về mặt kỹ thuật đã dần bị thu hẹp. Điều chúng ta còn thiếu là chiều sâu của tác phẩm, hay nói cách khác là đề tài của những phim Việt Nam còn quá “an toàn”. Dữ dội nhất trong số những phim Việt từng đoạt giải thưởng lớn ở quốc tế có lẽ là ‘Bi, đừng sợ!’ của Phan Đăng Di, bộ phim mang đầy tính nghệ thuật và nhục dục về một gia đình Hà Nội ẩn chứa nhiều góc tối.

Nhưng thay vì được tung hô, khen thưởng bởi những người đứng đầu điện ảnh nước nhà, ‘Bi, đừng sợ!’ cùng biết bao bộ phim Việt độc lập khác đều chịu chung sức ép của điều luật mơ hồ mang tên “vi phạm thuần phong mỹ tục”, thứ mà có giải thích ra cũng chẳng mấy nhà làm phim biết được mình vi phạm chỗ nào.

Ngoài yếu tố chủ quan từ các nhà làm phim, còn một vấn đề nhạy cảm khác là sự kiểm duyệt gắt gao tới mức trở thành đề tài gây tranh cãi, khiến điện ảnh Việt Nam khó có thể xuất hiện những đề tài đột phá. Chính Phan Đăng Di, đạo diễn của ‘Bi, đừng sợ!’, đã từng chia sẻ rằng sự kiểm duyệt đang kìm hãm sự sáng tạo, và sự sáng tạo suy cho cùng cần có sự tự do, cá nhân phải làm đến cùng với niềm tin của họ.

Bi, đừng sợ

Do vấn đề tài chính

Gần như 100% những phim đoạt giải lớn tại các LHP Quốc Tế đều rất ít có cơ hội quay trở về trình chiếu rộng rãi ở quê nhà chứ chưa nói đến việc thu lãi và hoàn vốn làm phim. Vậy nên không mấy nhà sản xuất dám đổ tiền đầu tư vào dòng phim nghệ thuật để đi tranh giải mà thay vào đó họ chuyển hướng đầu tư sang các phim giải trí như phim hài, phim Tết, phim bom tấn – những phim dễ ăn nên làm ra.

Cũng vì vậy, một số đạo diễn giỏi có thiên hướng nghệ thuật đã buộc phải chuyển qua làm phim thị trường để kiếm sống chứ không còn mặn mà với việc làm nên những tác phẩm xuất sắc. Một thực trạng khác là các phim nghệ thuật thường phải nhận tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau. Và vì đã nhận tài trợ rồi nên thường sẽ bị kiểm soát ở một mức độ nhất định, khiến các đạo diễn khó mà đi đến cùng những ý tưởng nghệ thuật, đôi khi là cực đoan của mình.

Do sự thiếu hụt tài năng

Điện ảnh nước ta đúng là có những Trần Anh Hùng, Phan Đăng Di, Trần Thanh Huy vô cùng tài năng và dấu ấn của họ là không thể phủ nhận. Nhưng thử hỏi ngoài những con người ấy, Việt Nam còn bao nhiêu gương mặt đủ khả năng để tiếp bước thành công họ đã đạt được? Chắc chắn là sẽ có mà không nhiều, thậm chí giờ ngồi đếm cũng chưa đến con số 10.

Nếu như các nền điện ảnh lớn của Châu Á như Hàn Quốc hay Nhật Bản mỗi năm luôn sản sinh ra hàng loạt các gương mặt mới đầy nhiệt huyết và đủ trình độ đưa điện ảnh nước họ phát triển hơn nữa thì điện ảnh Việt hiện nay lại trở nên “đói” nhân tài trầm trọng. Và cay đắng rằng có nhiều lúc ngành sân khấu điện ảnh của nhiều trường đại học lớn ở Việt Nam còn bị liệt vào danh sách học xong ra trường không thể kiếm được việc làm.

ngô thanh vân hai phượng

Vừa không có thế hệ diễn viên diễn xuất tốt, vừa thiếu những biên kịch, đạo diễn có khả năng sáng tạo. Cộng với việc điện ảnh nước nhà đang đi vào lối mòn khi càng ngày càng có nhiều bộ phim remake lại của nước ngoài, hàng loạt ca sĩ chuyển sang làm diễn viên và ngược lại diễn viên chuyên nghiệp thì đi đóng quảng cáo. Tất cả những điều trên dù ít hay nhiều cũng đang dần bóp nghẹt sự sáng tạo trong điện ảnh Việt khiến cho tài năng của biết bao con người bị thui chột, không thể được khai phá.

Do không có sự quan tâm, đầu tư từ chính phủ

Mấy ai biết rằng điện ảnh Việt thế kỷ trước từng vượt trội hơn điện ảnh Hàn Quốc nhưng chỉ trong khoảng 20 năm trở lại đây, Hàn Quốc đã có bước tiến cực lớn. Lý do cho bước tiến ấy chẳng gì khác ngoài những chính sách bảo hộ điện ảnh nội địa của chính phủ trong giai đoạn đầu và ưu tiên đầu tư cho điện ảnh, nới lỏng kiểm duyệt cũng như đề cao các giá trị lịch sử, văn hóa hay dân tộc. Và kết quả họ có Oscar, có Cành cọ vàng, có được danh tiếng khắp thế giới.

Trong khi đó chính phủ Việt Nam vẫn coi điện ảnh chỉ như một ngành giải trí bình thường với không chính sách đầu tư cơ sở vật chất, không tạo điều kiện cho các nhà làm phim, không chăm chú đào tạo nhân lực. Mặc dù chúng ta hoàn toàn có thể thấy nếu điện ảnh Việt được phát triển mạnh mẽ, hình ảnh của đất nước được bạn bè quốc tế biết đến thông qua những bộ phim tuyệt hay thì lợi ích nó mang lại cho kinh tế, du lịch là chuyện đáng để cân nhắc.

phim ròm

Oscar cho điện ảnh Việt trong thời điểm này vẫn là giấc mơ xa vời, nhưng không phải là không thể vươn tới, những tín hiệu lạc quan gần đây như ‘Ròm’ – bộ phim thay đổi hoàn toàn cái nhìn của cục điện ảnh và khẳng định rằng những thế hệ trẻ ngày nay hoàn toàn có thể đưa phim, đưa cái chất Việt Nam ra thế giới, cho thấy tương lai đầy tiềm năng của điện ảnh nước nhà trên trường quốc tế.

Article Tags:
·
Article Categories:
Phim ảnh

Comments are closed.