Daniel Gilbert, giáo sư ngành tâm lý học nổi tiếng đã có những nghiên cứu về hạnh phúc và khám phá ra những giới hạn của nó. Dưới đây là đoạn hội thoại nói về những nghiên cứu về hạnh phúc giữa ông và Gardiner Morse từ HBR, được trích từ cuốn sách Emotional Intelligence – Hạnh Phúc thuộc bộ sách HBR Emotional Intelligence.
Làm thế nào để đo lường hạnh phúc
Đo lường các trải nghiệm chủ quan dễ dàng hơn bạn nghĩ rất nhiều. Đó là những gì mà bác sĩ nhãn khoa làm khi đo kính cho bạn. Cô ấy đặt một thấu kính lên mắt bạn và yêu cầu bạn kể lại trải nghiệm của mình, sau đó cô ấy lại thay một thấu kính khác, rồi một thấu kính khác nữa. Cô ấy sử dụng các báo cáo của bạn như một dạng số liệu, gửi số liệu đi để phân tích khoa học, rồi thiết kế một thấu kính có thể mang lại cho bạn tầm nhìn tốt nhất – tất cả đều dựa trên báo cáo của bạn về trải nghiệm chủ quan của mình.
Báo cáo theo thời gian thực là một sự ước lượng rất tốt về trải nghiệm của mọi người, và nó cho phép chúng ta nhìn thế giới qua cặp mắt của họ. Có thể ngày hôm qua hay ngày mai họ không có khả năng diễn tả cho chúng ta rằng họ hạnh phúc như thế nào, nhưng họ có thể nói cho chúng ta biết hiện tại họ đang cảm thấy ra sao.
“Hạnh phúc tự nhiên” và “hạnh phúc tổng hợp”
“Hạnh phúc tự nhiên” là những gì chúng ta nhận được khi chúng ta đạt được những gì chúng ta muốn, còn “hạnh phúc tổng hợp” là cái chúng ta tạo ra khi chúng ta không nhận được những gì chúng ta muốn. Điều vẫn tồn tại trong xã hội là rất nhiều người không hề trân trọng “hạnh phúc tổng hợp”.
Bạn không hề biết rằng “hạnh phúc tổng hợp” cũng thiết thực và lâu dài như thứ hạnh phúc bạn có được khi bạn nhận được chính xác những gì bạn đã nhắm tới.
Nếu bỗng dưng bị mù hoặc mất hết gia tài thì bạn sẽ nhìn ra một cuộc sống hoàn toàn mới khi suy xét từ những biến cố này. Và bạn sẽ thấy cuộc sống mới có rất nhiều điều tốt đẹp, hạnh phúc (chỉ khác với lúc đầu thôi). Đây không phải là bạn đang tự huyễn hoặc hay đánh lừa bản thân mà là do vì có những biến cố mà bạn mới khám phá ra những thứ (chưa hề) biết trong cuộc sống mới mẻ này.
Tại sao các biến cố tưởng chừng sẽ ảnh hưởng vĩnh viễn tới ta lại dễ dàng thoáng qua
Có một lí do khá hợp lý là con người có xu hướng tự tạo ra hạnh phúc cho mình, tìm kiếm sự tích cực sau những biến cố, nỗi đau. Một số ví dụ cụ thể về điều này có thể nhắc đến:
Ví dụ 1: Moreese Bickham trải qua 37 năm trong một nhà tù ở tiểu bang Louisiana bởi một tội mà ông không hề gây ra. Ở tuổi 78, ông được minh oan nhờ bằng chứng DNA và sau khi được thả, ông thốt lên rằng: “Tôi không hối tiếc lấy một phút. Đó là một trải nghiệm vinh quang”.
“Bí mật của hạnh phúc” ở đây là: Coi việc đi tù cũng chỉ là một trải nghiệm mà thôi .
Ví dụ 2: Jim Wright – một người từng là chủ tịch Hạ viện – đã quyết định từ chức khi một phi vụ khả nghi về sách mà ông đã làm bị phát hiện. Ông mất tất cả mọi thứ sau ngần ấy năm cố công gây dựng. Thế nhưng, Jim Wright vẫn nói: “Tôi khá hơn rất nhiều về thể chất, tài chính, tình cảm, tinh thần và hầu hết mọi thứ khác”.
“Bí mật của hạnh phúc” ở đây là: Tích lũy sự giàu có, quyền lực và uy tín, sau đó từ bỏ nó.
Ví dụ 3: Pete Best – tay trống đầu tiên của ban nhạc The Beatles nhưng sau đó đã bị “đá” ra khỏi nhóm và bị thay thế bởi một người khác. Năm 1994, trong một buổi phỏng vấn, khi đó, ông – vẫn là một tay trống và là nhạc sĩ phòng thu – đã chia sẻ rằng: “Tôi hạnh phúc hơn so với việc nếu tôi ở lại cùng ban nhạc The Beatles”.
“Bí mật của hạnh phúc” ở đây là: Không cần cảm thấy hối tiếc vì không được tham gia ban nhạc The Beatles.
Kết
Khoa học nghiên cứu rất nhiều thứ và hạnh phúc là 1 trong số đó. Khoa học có thể chỉ cách để bạn có thể sống cuộc đời mà bạn mong muốn. Nhưng khoa học sẽ không giúp ta mong muốn 1 cuộc đời thế nào. Điều đó là do chúng ta quyết định.
Ngoài ra đối với những ai muốn đọc tiếp, trọn vẹn phần phỏng vấn này có thể tìm đọc cuốn sách Hạnh Phúc – Emotional Intelligence nói riêng bộ sách HBR Emotional Intelligence nói chung. Mình đã đọc được 2/10 cuốn và thấy booh sách này sẽ dạy bạn rất nhiều điều để nâng cao đời sống tinh thần, xúc cảm của bạn từ đó giúp bạn thăng hoa hơn trong công việc, cuộc sống hay như lời giải thích của bộ sách này là nó sẽ giúp bạn khơi dậy “phần con người” và giúp bạn làm chủ được những xúc cảm của chính mình.
Nguồn: J2TEAM Community